Chi tiết

Tháo gỡ khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp

Tổng cục Thống kê vừa họp báo thông tin về tình hình kinh tế nửa đầu năm 2024 với tăng trưởng GDP đạt 6,42%. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhất, là lực đỡ cho nền kinh tế. Tuy vậy, một báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM (HUBA) vừa công bố lại cho thấy tình hình các DN trên địa bàn thành phố vẫn chưa mấy sáng sủa.

Hiếm hoi điểm sáng

Theo HUBA, 6 tháng đầu năm 2024, tình hình thế giới không có nhiều chuyển biến tích cực. Những rủi ro địa chính trị đã góp phần thu hẹp cầu tiêu dùng trên thế giới, làm thị trường xuất khẩu của các DN Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể.

Dù khá nhiều DN đã xoay trở, tìm kiếm các thị trường mới để bù đắp sự suy giảm của thị trường truyền thống nhưng số DN vượt lên khủng hoảng không phổ biến. Hầu hết DN vẫn trong tình trạng khó khăn, vật lộn để tồn tại khi đơn hàng chưa nhiều, không ổn định và có tính ngắn hạn.

Ở trong nước, khó khăn phổ biến đối với các DN có quy mô vừa và lớn là tình trạng nợ khó đòi, chiếm dụng vốn còn cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro; vốn vay bị tắc do quy định thế chấp quá nghiêm ngặt; khối nợ trái phiếu sẽ tới hạn vào nửa cuối năm 2024. Thêm nữa, việc áp dụng tiêu chí quá chặt chẽ của chính sách quản lý giao dịch liên kết theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP càng làm cho việc phân bổ, điều hòa vốn giữa những thành viên trong các tập đoàn kinh tế khó triển khai.

Đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, khó khăn chung là tình trạng cạn tiền, không thu được nợ kinh doanh trong khi chủ nợ vay lại hối thúc. Lãi suất vay dù đã giảm nhưng còn cao so với lợi nhuận thực hiện; các khoản vay trước năm 2023 và lãi vay cá nhân giảm không đáng kể, làm hạn hẹp dòng tiền cho tiêu dùng cá nhân.

Bên cạnh đó, một số khó khăn liên quan thể chế kinh tế còn nhiều bất cập, cải cách thủ tục hành chính chưa đạt như kỳ vọng; một số vấn đề pháp lý chưa rõ ràng; sự chậm chạp, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức… Ngoài ra, sự gia tăng đáng kể hàng hóa tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang đã tạo áp lực không nhỏ cho DN Việt Nam.

Doanh nghiệp ngành hàng rau củ quả bị giảm doanh thu vì ảnh hưởng khó khăn chung Ảnh: PHƯƠNG AN

Doanh nghiệp ngành hàng rau củ quả bị giảm doanh thu vì ảnh hưởng khó khăn chung Ảnh: PHƯƠNG AN

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, cho biết hiện một số ngành có chỉ số tồn kho cao như đồ uống, cơ khí, thiết bị điện, giấy…, báo hiệu xu hướng suy giảm tổng cầu trong các tháng tiếp theo. Ở lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, từ đầu năm đến nay, nhiều đại lý chưa lấy đơn hàng mới, khiến DN thiếu dòng tiền, mất khả năng trả nợ.

Lĩnh vực bất động sản dù nhận được sự hỗ trợ đáng kể của nhà nước nhưng vẫn tiếp tục chu kỳ khó khăn hơn các ngành khác, do các sai lầm trong đầu tư của thời gian trước như: vốn vay lớn, thiếu dòng tiền gánh chịu lãi vay cao… Lĩnh vực thương mại, bán lẻ ghi nhận sức mua suy giảm đáng kể, một số ngành hàng giảm 50%-60% và dự báo tiếp tục giảm 10% trong các tháng tới.

“Điểm sáng hiếm hoi là lĩnh vực chế biến và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp như gạo, thủy sản, trái cây… tăng trưởng tương đối khá hơn, do sự bùng nổ của thị trường Trung Quốc và sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng” – ông Hòa thông tin.

Kết thúc quý II/2024, số DN tại TP HCM giảm doanh thu tăng vọt lên mức 30,4%, lượng hàng tồn kho tăng lên 34% và số dư nợ tăng lên mức 42%. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, đây là chỉ dấu cho thấy thị trường đang dần xấu đi – DN khó tiêu thụ hàng hóa hơn trước và tình trạng nợ đọng dây dưa đang diễn ra phổ biến. Đáng lưu ý, khá nhiều DN đang có kế hoạch giảm lao động với mức 30%.

Khảo sát của HUBA cho thấy có đến 64% DN đang khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng suy giảm; 50% DN khó khăn vì thiếu đơn hàng mới; 30% DN khó khăn vì thuế, phí và các khoản nộp ngân sách cao…

“Khá nhiều DN âm thầm rời thị trường nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ quyết toán thuế. Do đó, con số thực tế DN giải thể nhiều hơn số báo cáo một cách đáng kể” – ông Hòa phản ánh.

Vật lộn để tồn tại

Dẫn chứng sự sụt giảm của cầu thị trường, giám đốc một DN chuyên phân phối hàng hóa cho các nhãn hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng lớn tại Việt Nam làm phép so sánh: Trước đây, với chỉ tiêu bán hàng trong năm, nhân viên kinh doanh của công ty thường có 10 tháng đạt, 2 tháng rớt nhưng năm nay thì ngược lại. Công ty phải làm việc gấp 2 – 3 lần năm 2023 nhưng tỉ lệ hoàn thành chỉ 2/12 tháng.

“Túi tiền của đa số người dân đang teo tóp nên họ chi tiêu ít lại. Những chi tiêu cho nhu cầu cơ bản như ăn uống, tiêu dùng hằng ngày còn bị thắt chặt, cắt giảm tối đa nên hàng xa xỉ, không thiết yếu “rớt số” trầm trọng. Ngành hàng nào cũng sụt giảm, trung bình mức giảm đến 30% so với cùng kỳ năm 2023″ – giám đốc này cho biết.

Theo DN phân phối nêu trên, các DN sản xuất lớn, tập đoàn đa quốc gia có chiến lược kinh doanh rõ ràng. Trong những lúc khó khăn như hiện nay, họ tìm mọi cách đẩy hàng ra thị trường để tăng doanh số, cắt giảm chi phí tối đa nhằm hạn chế tổn thất. Trong khi đó, các DN nhỏ và siêu nhỏ thì vốn mỏng, thiếu và yếu nhiều thứ nên không chịu nổi áp lực, rất khó ứng biến, xoay trở.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, thu nhập của nhân viên kinh doanh tại rất nhiều DN sản xuất – kinh doanh, phân phối đã giảm mạnh. Thù lao trả cho nhân viên giới thiệu sản phẩm tại các siêu thị, điểm kinh doanh/tiếp thị hiện giảm gần 100.000 đồng/ngày so với trước, chỉ còn hơn 200.000 đồng đối với nhân viên tiếp thị tại quầy.

“Nhân viên kinh doanh thường hưởng lương 60/40, nghĩa là phần lương “cứng” là 60%, 40% còn lại từ phần trăm doanh thu bán hàng. Doanh số liên tục rớt nên số tiền thực lĩnh hằng tháng của họ giảm theo” – anh Minh Anh, nhân viên kinh doanh của một công ty thực phẩm, giải thích.

Trước tình hình quá khó khăn, cộng đồng DN TP HCM kiến nghị lãnh đạo thành phố đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng; giảm các loại thuế, phí; hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất; đẩy mạnh đầu tư và phát triển thương mại, dịch vụ… DN kỳ vọng các luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản sửa đổi mới ban hành (có hiệu lực từ ngày 1-8-2024) sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, pháp lý cho DN và khuyến khích sử dụng tài nguyên đất hiệu quả hơn.

“TP HCM cần nhanh chóng triển khai 3 luật nêu trên, tạo điều kiện cho thị trường hồi phục nhanh chóng, tháo gỡ các ách tắc, giải phóng sức sản xuất và tạo việc làm cho DN” – HUBA kiến nghị. 

Doanh nghiệp cạn tiền

Với hậu quả của hàng loạt khó khăn dồn dập thời gian qua, hầu hết DN đang lâm vào tình trạng cạn kiệt dòng tiền. Báo cáo với UBND TP HCM, nhiều DN cho biết đang thiếu tiền để trả nợ các khoản nợ gốc trước đây và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động tiếp theo.

Theo các DN, việc hỗ trợ lãi vay không giải quyết tận gốc vấn đề. Thay vào đó, cộng đồng DN kiến nghị Chính phủ hỗ trợ xử lý triệt để các khó khăn của thị trường, như vấn đề cạn kiệt vốn đầu tư và suy giảm cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc như tín dụng ngân hàng và trái phiếu DN, nhà nước cần có cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, bảo đảm vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ những sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản…) hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài).

(Còn tiếp)

Source link