Sau khi ngừng đấu thầu vàng do phương thức này không phù hợp, NHNN đã tổ chức bán vàng thông qua 4 NHTM có vốn Nhà nước và công ty SJC. Đến nay, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế đã giảm.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân, việc mua vàng, kể cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn, hiện gặp rất nhiều khó khăn. Điều này cho thấy nguồn cung vàng trên thị trường hiện rất khan hiếm. Ngay cả Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng thừa nhận: “Người dân rất khó mua vàng miếng SJC khi đặt mua trực tuyến. Điều này cho thấy giá vàng miếng hiện không phản ánh đúng cung – cầu thị trường”.
Theo nhiều chuyên gia, để phát triển ổn định thị trường vàng theo hướng hội nhập quốc tế, trước mắt NHNN cần sớm trình Chính phủ xóa bỏ độc quyền vàng miếng, đồng thời cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập khẩu vàng nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức, góp phần đáp ứng nhu cầu vàng của người dân. Tuy nhiên, giải pháp này gây áp lực lên tỷ giá, nên NHNN cần cân đối để đảm bảo hài hòa mục tiêu.
Về dài hạn, NHNN cần thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng theo hướng tách bạch giữa thị trường vàng vật chất và thị trường vàng phi vật chất, nhằm tránh dồn hết “gánh nặng” lên thị trường vàng vật chất như hiện nay. Trong đó, thị trường vàng vật chất sẽ giải quyết nhu cầu mua vàng cất trữ, trang sức, xuất khẩu vàng trang sức…
Còn với thị trường vàng phi vật chất, NHNN cần sớm trình Chính phủ lộ trình thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia để đáp ứng nhu cầu đầu tư tài chính đối với vàng, góp phần giảm nhu cầu vàng vật chất đang ở mức quá lớn như hiện nay. “Việc lập Sở giao dịch vàng là rất cần tính đến. Tuy nhiên, vàng là hàng hóa đặc biệt, nên cần tính tới phương thức quản lý như thế nào cho phù hợp”, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, nhấn mạnh.
Source link