Phiên ngày 22/10, khối ngoại tiếp tục bán ròng giá trị 222 tỷ đồng. Tại HoSE, khối ngoại bán ròng 137 tỷ đồng, tập trung ở chứng chỉ quỹ FUEVFVND, KDH, HPG, VCI… Ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng MWG, TCB, BVH, VPB…
Trước diễn biến đó, VN-Index cũng giảm gần 10 điểm xuống 1.270 điểm, HNX-Index và UPCoM-Index cũng chìm trong sắc đó.
Nhìn rộng ra, khối ngoại đã có phiên bán ròng thứ 8 liên tiếp. Đồng thời, VN-Index trong 8 phiên giao dịch gần đây thì đến 6 phiên giảm, tương đương mất 2%.
Bình luận với nhadautu.vn, ông Nguyễn Thanh Nguyên Vũ, nhà sáng lập TVN & Partners cho biết theo quan sát khối ngoại đợt rồi mua ròng không dàn trải và lan tỏa mà mua tập trung vào một số nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản. Khi mua đến một mức nhất định và các quỹ đã bắt đầu cạn tiền thì lực mua giảm. Trong khi đó, dòng tiền nội không được bổ sung thêm, điều này thể hiện qua quy mô margin tăng đáng kể nhưng thanh khoản thị trường giảm cho thấy chưa có dòng tiền mới chảy vào.
“Nếu để ý kỹ hơn, đợt tăng vừa qua của thị trường hết sức phân hóa, những cổ phiếu nào có khối ngoại mua vào thì tăng giá, khi khối ngoại ngưng mua thì giảm và khối ngoại bán thì cổ phiếu đó yếu theo. Điều đó cho thấy dòng tiền nội thực sự rất yếu”, ông Vũ nói.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBankS cũng bày tỏ trong 9 tháng vừa qua khối ngoại miệt mài bán ròng và lực đỡ đến từ dòng tiền nội. Song, VN-Index nhiều lần tiệm cận vùng 1.300 điểm và chưa thành công có lẽ đã khiến dòng tiền nội chững lại. Thêm vào đó, dòng tiền nội đã phần nào đó sử dụng margin để hấp thụ lực bán của nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, yếu tố tỷ giá tăng và những căng thẳng địa chính trị đẩy giá vàng tăng cao gần đây cũng ảnh hưởng lên lưu chuyển dòng tiền giữa các kênh đầu tư.
Chuyên gia VPBankS lưu ý đến cuối năm nay và đầu năm sau, nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp hay sự nóng lên của thị trường bất động sản có thể ảnh hưởng đến dòng tiền nói riêng và tâm lý thị trường nói chung.
Theo số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), thanh khoản trên sàn HoSE trong tháng 9 ghi nhận 15.918 tỷ đồng, là mức thấp nhất trong năm. Đồng thời, thanh khoản ở sàn chiếm đến 90% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường này đã 3 tháng liên tiếp chỉ đạt quanh vùng 16.000 tỷ đồng, thấp hơn 24% so với mức bình quân của 6 tháng đầu năm.
Bước qua tháng 10, số liệu thống kê cho thấy thanh khoản chưa thực sự phục hồi, vẫn rất trồi sụt, có phiên đạt hơn 23.000 tỷ đồng nhưng cũng có phiên về mức gần 12.000 tỷ đồng.
Ông Sơn cho rằng thị trường muốn vượt 1.300 điểm thì thanh khoản phải tăng và tăng rất mạnh, thường trung bình trên mốc 25.000 tỷ đồng, còn hiện tại đang khoảng 16.000 – 17.000 tỷ đồng.