Phiên ngày 26/11, thị trường chứng khoán ghi nhận phiên tăng giá thứ 2 liên tiếp, VN-Index tăng 7,43 điểm lên 1.242 điểm. Xét trong 5 phiên giao dịch gần nhất, VN-Index tăng gần 37 điểm với 4 phiên tăng giá và 1 phiên giảm nhẹ 0,23 điểm. Diễn biến phục hồi tương tự đối với sàn HNX trong khi UPCoM có phiên tăng giá thứ 5 liên tiếp.
Thị trường chứng khoán giao dịch tích cực trở lại trong bối cảnh khối ngoại quay trở lại mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp. Kể từ phiên ngày 22/11, khối ngoại đã bất ngờ đảo chiều mua ròng 30 tỷ đồng sau chuỗi 21 phiên rút ròng liên tiếp. Phiên mở cửa đầu tuần 25/11, khối ngoại tăng giá trị mua ròng lên 65 tỷ đồng, tập trung ở MSN, CTG, KBC. Phiên ngày 26/11, khối này nâng giá trị mua ròng lên 228 tỷ đồng, FPT, DPM, MSN, HPG là những mã được mua mạnh trong khi bán ra PNJ, DGC, VCB, DXG…
Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận xét DXY Index tăng mạnh lên 107 trong thời gian qua gây áp lực lên tỷ giá là một trong nguyên nhân dẫn đến xu hướng bán ròng của khối ngoại.
Song, có điểm đáng mừng, dòng tiền nhà đầu tư trong nước khá độc lập, không chạy theo làn sóng bán ròng của khối ngoại. Đồng thời, mức chiết khấu của thị trường cũng đã đủ để khối ngoại có xu hướng chậm lại đà bán ròng và đảo chiều mua ròng.
Dựa trên dữ liệu lịch sử mà VPBankS đo lường 16 ngành cấp 2 trong 8 năm cho thấy có 9/16 ngành cấp 2 đang giao dịch ở mức PE dưới mức bình quân 8 năm, trong đó có 5 ngành về gần mức thấp nhất của chu kỳ 8 năm. Đối với chỉ tiêu PB thì có 14/16 ngành giao dịch dưới mức bình quân 8 năm, trong đó có 6 ngành gần mức thấp nhất 8 năm. Đồng thời, PB của VN-Index đang ở 1,6 lần trong khi mức thấp nhất trong 8 năm là 1,5 lần và bình quân là 2,2 lần.
“Như vậy, định giá của VN-Index cũng đã về mức thấp hơn rất nhiều so với bình quân và chỉ còn cách đáy một chút. Trong một thị trường định giá hấp dẫn, nếu khối ngoại dừng bán thì nhịp hồi đến rất nhanh. Đây là điểm nhà đầu tư nên lưu ý để không bị mất cơ hội”, ông Dương nói.
Chuyên gia VPBankS đánh giá các ngành hóa chất, thực phẩm và đồ uống, bán lẻ, du lịch và giải trí, bất động sản, dịch vụ tài chính, ngân hàng và công nghệ thông tin là những ngành được dự báo khả quan trong thời gian tới. Đó là những ngành có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025 so với năm nay, ít chịu ảnh hưởng bởi yếu tố có tính chất tác động bên ngoại và định giá tương đối phù hợp.
Riêng với bất động sản, tuy kết quả kinh doanh 9 tháng không khả quan nhưng vẫn được xếp vào nhóm khả quan do những điểm tiêu cực đã phản ánh trong 9 tháng. Theo ông Dương, so với nền thấp 2024, chỉ cần một dự án cỡ trung bình cũng đem lại lợi nhuận tăng trưởng tốt cho doanh nghiệp bất động sản, qua đó dẫn đến biến động lớn về giá.
Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản nhà ở đang kích hoạt trở lại hoạt động mở bán sản phẩm, đảm bảo doanh thu vài quý tới. Áp lực nợ về trái phiếu và nợ ngắn hạn của doanh nghiệp bất động sản nhà ở niêm yết không lớn cho quý IV/2024 và năm 2025. Còn bất động sản khu công nghiệp đối mặt với vấn đề duy nhất là thiếu nguồn cung trong khi nhu cầu rất lớn. Các doanh nghiệp ở khu vực miền Bắc sẽ có nguồn cung mới trong quý IV giúp cải thiện doanh thu, lợi nhuận sắp tới. Theo đó, những doanh nghiệp có nguồn cung mới sẽ có triển vọng bứt phá lớn, ông Dương nhận định.