Chi tiết

Thế khó của doanh nghiệp Nhật giữa căng thẳng Mỹ – Trung

Doanh nghiệp Nhật đang gặp áp lực khó khăn khi căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng, sau vài thập niên họ làm ăn suôn sẻ tại hai đất nước này.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 25% vào năm ngoái. Hồi tháng 2, chỉ số này vượt kỷ lục từng thiết lập năm 1989. Phần lớn thành công này nhờ sự chuyển đổi của doanh nghiệp Nhật trong 35 năm qua.

Đối mặt với tình trạng trì trệ kinh tế trong nước và dân số già đi, họ đầu tư ra nước ngoài tìm kiếm tăng trưởng. Năm 1996, doanh thu từ nước ngoài chiếm 7% tổng thu ngân sách. Tỷ lệ này tăng lên 29% vào 2023.

Trong hành trình đó, Mỹ là điểm đến lớn nhất, trong khi doanh số từ thị trường Trung Quốc ngày càng tăng. Hơn một nửa doanh số ở nước ngoài của các công ty Nhật đến từ một trong hai siêu cường.

Vì vậy, CEO các công ty Nhật ngày càng bất an với cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung. Họ lo về viễn cảnh bị buộc chọn một trong hai.

Mỹ hay Trung Quốc đều khó

Một số ưu tiên Mỹ hơn. Họ chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang Đông Nam Á, trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng và xoa dịu những lo lắng của khách hàng về rủi ro địa chính trị. Tháng 9/2023, Mitsubishi Motors tuyên bố ngừng sản xuất ôtô tại Trung Quốc và mở rộng ở Thái Lan, Indonesia.

Theo khảo sát của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, số doanh nghiệp muốn mở rộng ở Bắc Mỹ tăng trên 50%. Tổ chức chuyên giám sát trợ cấp Good Jobs First cho hay Toyota và Panasonic nằm trong số các công ty nhận được hơn một tỷ USD hỗ trợ mỗi đơn vị đến từ các bang và chính quyền liên bang Mỹ, kể từ 2021.

Để đổi lấy khoản đầu tư 8 tỷ USD của Toyota vào sản xuất pin ở Bắc Carolina, bang này đã trợ cấp hàng trăm triệu USD thuế và cơ sở hạ tầng cho hãng xe này.

Tăng trưởng kinh tế tương đối mạnh của Mỹ cũng tăng thêm sức hấp dẫn của nước này. Những tháng gần đây, nhà sản xuất robot Yaskawa Electric, công ty đồ uống Asahi, nhà sản xuất chip Renesas Electronics hay hãng xe Honda bày tỏ sự quan tâm đến mở rộng ở Mỹ. Không ít trong số họ công bố kế hoạch thực hiện điều này.

Một nhà môi giới ngoại hối đang sửa một cây cờ Nhật Bản, đặt cạnh cờ Trung Quốc và Mỹ tại một phòng giao dịch ở Tokyo ngày 30/5/2012. Ảnh: Reuters

Một nhà môi giới ngoại hối đang sửa một cây cờ Nhật Bản, đặt cạnh cờ Trung Quốc và Mỹ tại một phòng giao dịch ở Tokyo, ngày 30/5/2012. Ảnh: Reuters

Các giám đốc điều hành và nhà phân tích cho biết sau nhiều năm coi Trung Quốc là thị trường có “những cơ hội gần như vô tận”, các công ty Nhật giờ thận trọng hơn.

Kết quả cuộc khảo sát hồi tháng 1 cho thấy, gần một nửa công ty Nhật hoạt động tại Trung Quốc đã giảm hoặc không rót thêm vốn từ năm ngoái. “Ảo tưởng về nền kinh tế, thị trường Trung Quốc, đang biến mất”, Kunihiko Miyake, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu Canon, bình luận.

Nhưng doanh nghiệp Nhật phàn nàn về yêu cầu hàm lượng nội địa khi nhận trợ cấp từ Mỹ. Trong phòng họp, cụm từ “moshi tora”, nghĩa là “nếu Trump”, thường xuyên được họ nhắc đến.

Nhiều người lo ngại nếu tái đắc cử vào tháng 11, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump có thể dỡ bỏ chế độ trợ cấp hiện tại hoặc thay đổi nó để ưu tiên cho các công ty Mỹ. Mới đây, việc ông Biden phản đối Nippon Steel mua lại US Steel cho thấy chủ nghĩa bảo hộ đang lên cao. Nước Mỹ trở nên “ích kỷ”, theo lời một CEO công ty bán dẫn Nhật Bản giấu tên nói trên The Economist.

Sự ngờ vực này càng là lý do nhiều công ty Nhật không muốn rời Trung Quốc, nhất là khi thị trường này quá hấp dẫn để từ bỏ. Vào tháng 4, Toyota và Nissan lần lượt hợp tác với Tencent và Baidu trong nỗ lực bán xe tại nước này.

Hai năm qua, thương mại song phương giữa hai nước cao hơn khoảng một phần ba so với cuối những năm 2010. “Nhật Bản không thể sống thiếu Trung Quốc”, theo đánh giá của thành viên hội đồng quản trị một công ty Nhật. Tuy nhiên, ở lại đây cũng không dễ làm ăn, bởi nước này ngày càng có khả năng sống mà không cần Nhật Bản, theo The Economist.

Trong nhiều ngành công nghiệp, các công ty Trung Quốc đang cạnh tranh tốt. Một CEO ngành hóa chất ở Tokyo phàn nàn rằng các đối thủ Trung Quốc có lợi thế mua năng lượng và nguyên liệu giá rẻ từ Nga, điều nằm ngoài khả năng của các doanh nghiệp Nhật do các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine.

Nhưng chi phí không phải là ưu điểm duy nhất của doanh nghiệp Trung Quốc. Nhiều công ty đang tạo ra sản phẩm ngày càng tinh vi, đặc biệt là trong các lĩnh vực từng do Nhật thống trị, như tự động hóa công nghiệp, pin, ôtô và điện tử.

Xe điện BYD tại tại Tokyo Big Sight ở Tokyo, Nhật Bản ngày 25/10/2023. Ảnh: Reuters

Xe điện BYD tại tại Tokyo Big Sight ở Tokyo, Nhật Bản ngày 25/10/2023. Ảnh: Reuters

Xe điện Trung Quốc đã vượt xa Nhật Bản ở quê nhà và các thị trường châu Á khác. Gã khổng lồ pin CATL lớn mạnh hơn Panasonic. Hồi tháng 2, Junta Tsujinaga, CEO hãng robot công nghiệp Omron than phiền phải cạnh tranh lớn từ các đối thủ nội địa nền kinh tế thứ hai thế giới. Họ sẽ cắt 2.000 việc làm năm nay.

“Nền kinh tế thứ hai thế giới đã trở thành thị trường rất khó khăn cho các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản khi doanh số giảm mạnh. Đặc biệt, người tiêu dùng ngày càng hướng tới các loại xe điện do các thương hiệu nội địa sản xuất”, Christopher Richter, nhà phân tích cấp cao về ôtô Nhật Bản tại Công ty môi giới CLSA, nhận định.

Các công ty bán dẫn tiên tiến của xứ sở mặt trời mọc có thể là nạn nhân tiếp theo. Khi Mỹ thắt chặt việc bán công nghệ tiên tiến cho Trung Quốc, Bắc Kinh buộc nỗ lực giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài về chip, vật liệu và công cụ sản xuất chúng.

Theo nhà môi giới Bernstein, thị phần nội địa của các nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc dùng trong sản xuất chip tăng từ 4% năm 2019 lên 14% vào năm ngoái. Đây là mối lo ngại đối với Tokyo Electron, nhà sản xuất thiết bị xử lý tấm silicon và là công ty có giá trị thứ tư của Nhật Bản.

Hãng này kiếm một nửa doanh thu tại nền kinh tế thứ hai thế giới. Nếu Mỹ mở rộng lệnh trừng phạt đến những công nghệ cũ hơn có thể được bán cho Trung Quốc, các công ty Nhật Bản đang giao thương sẽ càng ảnh hưởng.

Bất chấp nhiều khó khăn, doanh nghiệp Nhật vẫn phụ thuộc nhiều vào nước láng giềng, về cơ sở sản xuất lẫn thị trường. Năm ngoái, Trung Quốc đại lục là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Nhật Bản với 174 tỷ USD và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước này, khoảng 126 tỷ USD, theo IMF.

Chiến thuật ứng phó

Để tồn tại trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung, ngày càng nhiều công ty Nhật thành lập bộ phận “an ninh kinh tế”. Khảo sát do Viện Kinh tế địa cầu (có trụ sở tại Tokyo) thực hiện, cho thấy 38% đã có bộ phận này.

Bộ phận an ninh kinh tế thường báo cáo trực tiếp cho thành viên hội đồng quản trị, giám sát các rủi ro chính trị với hoạt động và chuỗi cung ứng của công ty. Nhiều công ty lớn còn được chính phủ hỗ trợ cho nỗ lực này, theo The Economist.

Một cách khác là cải thiện mối quan hệ với các nền kinh tế giàu có ở Đông Á, như Hàn Quốc và Đài Loan. Doanh nghiệp hai nơi này cũng gặp thách thức tương tự trong cân bằng quan hệ làm ăn với hai siêu cường.

Toàn cảnh nhà máy bán dẫn của JASM, công ty con của TSMC Đài Loan, tại thị trấn Kikuyo, Nhật Bản vào tháng 2. Ảnh: Reuters

Nhà máy bán dẫn của JASM, công ty con của TSMC Đài Loan, tại thị trấn Kikuyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Trên tờ Nikkei, Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK Group (Hàn Quốc) nói sẽ mở rộng hợp tác với các công ty bán dẫn Nhật Bản. TSMC (Đài Loan) đã mở nhà máy đầu tiên tại Nhật vào tháng 2 và đang có kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai.

Và khi sóng gió bên ngoài nổi lên, số khác rút về an trú ở quê nhà. Tiền lương đang tăng nhanh tại Trung Quốc và chậm lại ở Nhật Bản, khiến sản xuất trong nước rẻ hơn so với trước đây.

Chính phủ Nhật cũng tung trợ cấp cho hàng trăm công ty trong các ngành được coi là nhạy cảm, gồm linh kiện máy bay, thiết bị y tế và đất hiếm. Năm ngoái Panasonic tuyên bố sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất máy điều hòa từ Trung Quốc về Nhật Bản. Cách này có thể giảm bớt lo lắng nhưng đồng thời báo hiệu một tương lai thế giới ít toàn cầu hóa hơn, theo The Economist.

Phiên An (theo The Economist, Reuters)


Nguồn tin: https://vnexpress.net/the-kho-cua-doanh-nghiep-nhat-giua-cang-thang-my-trung-4752410.html