Khoản nợ xấu vẫn ở mức gần 1.300 tỷ đồng
Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã: SMC) là doanh nghiệp thép hàng đầu ở khu vực phía Nam, doanh thu hàng năm không kém các các đơn vị lớn khác như Thép Nam Kim (mã: NKG) hay Tôn Đông Á (mã: GDA). Trong khi các doanh nghiệp thép khác ghi nhận lợi nhuận chạm đáy năm 2022 và bắt đầu phục hồi từ 2023 thì Thép SMC có 2 năm lỗ liên tiếp và lỗ 2023 thậm chí còn cao hơn 2022.
Bên cạnh chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh ngành thép đi xuống chung giai đoạn 2022 – 2023 thì SMC còn bị ảnh hưởng bởi các khoản nợ chậm luân chuyển. Điều này khiến hoạt động kinh doanh và hiệu quả sản xuất cũng như dòng tiền của công ty gặp khó khăn.
Tại cuối năm 2023, khoản nợ xấu của công ty đã tăng rất mạnh từ 98 tỷ đồng lên 1.314 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi chỉ 740 tỷ đồng. Việc phải trích lập dự phòng lớn là một trong nguyên nhân chính khiến công ty lỗ đậm trong năm 2023.
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra tháng 4, bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc SMC cho biết ban lãnh đạo đang tích cực xử lý nợ bao gồm thu bằng tiền, hoán đổi cổ phiếu, nhận tài sản để cấn trừ công nợ. Nếu khả thi, SMC đều chấp nhận. Mục tiêu là phải xử lý trong năm nay để không phải trích lập thêm, nếu không xử lý được có thể phải trích lập thêm 300 tỷ đồng, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Tính đến hết tháng 9 năm nay, công ty đã xử lý được khoản công nợ của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bằng cách hoán đổi thành hơn 10 triệu cổ phiếu giá 104,8 tỷ đồng, tương đương giá 10.000 đồng/cp. Tuy nhiên, cổ phiếu HBC vừa bị hủy niêm yết xuống giao dịch UPCoM, giá giảm phân nửa xuống 5.100 đồng/cp. Tại thời điểm 30/9, Thép SMC phải dự phòng 24,3 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.
Trong khi đó, nợ xấu của công ty vẫn ở mức 1.289 tỷ đồng, chiếm 20% tổng tài sản; giá trị trích lập dự phòng 559 tỷ đồng. Các con nợ lớn như Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận (441 tỷ), Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley (169 tỷ), Công ty TNHH The Forest City (131,5 tỷ) – những doanh nghiệp trong hệ sinh thái Novaland (mã: NVL) vẫn duy trì.
Có lãi nhờ bán tài sản
Về kết quả kinh doanh, BCTC hợp nhất quý III vừa công bố cho thấy tình hình có cải thiện nhưng chưa thực sự sáng. Doanh thu quý III đạt 2.277 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn giảm 29% nên công ty có lợi nhuận gộp 10 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 41 tỷ cùng kỳ năm trước. Dù chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý cũng được tiết giảm nhiều, công ty vẫn lỗ ròng 79 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 164 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp thép ghi nhận doanh thu 6.747 tỷ đồng, giảm 36%; lãi ròng 22 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 549 tỷ đồng. Kết quả này còn cách rất xa chỉ tiêu doanh thu bán hàng 13.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng được cổ đông thông qua.
Số liệu cho thấy hoạt động kinh doanh chính của SMC không có nhiều điểm sáng, sản lượng và doanh thu cùng sụt giảm, công ty có lãi chủ yếu nhờ hoạt động tài chính. Doanh thu tài chính trong kỳ tăng mạnh từ 91 tỷ lên 237 tỷ đồng và chi phí tài chính giảm đáng kể từ 267 tỷ về 168 tỷ đồng (chủ yếu giảm trong chi phí lãi vay).
Trong 9 tháng qua, doanh nghiệp đã bán khá nhiều tài sản. Đó là khoản đầu tư hơn 13,1 triệu cổ phiếu NKG của Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã: NKG) lãi 215 tỷ đồng. Công ty còn bán thêm các bất động sản như toàn nhà văn phòng tại Bình Thạnh, TP.HCM giá 170 tỷ đồng. Vào cuối tháng 9, công ty rao bán tiếp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Công ty TNHH MTV SMC Đà Nẵng giá 96 tỷ đồng. Mới đây, Thép SMC thông báo đã chuyển quyền chủ nợ đối với khoản nợ phải thu tại Công ty cổ phần Beton 6 trị giá 12,6 tỷ đồng cho bà Nguyễn Thị Lan Anh và nhận về số tiền 3 tỷ đồng.
Việc tích cực thanh lý tài sản đã giúp khoản nợ phải trả của công ty giảm được hơn 1.100 tỷ đồng xuống 4.271 tỷ đồng. Riêng nợ vay giảm được hơn 600 tỷ đồng. Ngoài trả hết nợ tại một số ngân hàng, công ty đã trả được 199 tỷ đồng trái phiếu đến hạn năm nay và còn nợ 113 tỷ đồng trái phiếu đến hạn năm sau.