Thị trường bất động sản (BĐS) có vai trò tối quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, từ năm 2022, thị trường BĐS Việt Nam rơi vào trạng thái trầm lắng do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, hậu quả của đại dịch COVID-19, cùng những khó khăn nội tại trong nước. Nhiều doanh nghiệp địa ốc lâm vào tình cảnh khó khăn nhất là nguồn vốn, thanh khoản và thủ tục pháp lý.
Trước tình hình đó, nhiều chủ trương, quyết sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện để thị trường phục hồi và phát triển lành mạnh, bền vững đã được ban hành. Điều này đã giúp giải quyết, tháo gỡ được nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn, bất cập của thị trường BĐS làm cơ sở khơi thông thị trường, khơi thông nguồn vốn cho thị trường BĐS trong thời gian qua.
Thị trường BĐS chuyển biến tích cực
Mới đây, phát biểu tại một diễn đàn về thị trường BĐS, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, thị trường BĐS Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua nhờ vào các chính sách điều hành hiệu quả của Chính phủ.
Điểm nhấn đáng chú ý trong việc phát triển thị trường BĐS là Quốc hội đã thông qua 4 đạo luật quan trọng là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Các tổ chức tín dụng. Những đạo luật này đã giúp tạo ra khung pháp lý rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư và giao dịch BĐS.
Theo ông, Chính phủ đã chú trọng giải quyết các vướng mắc trong việc triển khai các dự án BĐS, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt nguồn cung mà còn đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân, nhất là các gia đình có thu nhập thấp và trung bình.
Nói về mục tiêu quan trọng nhất trong thời gian tới của Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, triển khai Đề án 1 triệu căn hộ NƠXH là một phần trong chiến lược phát triển NƠXH, giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt nhà ở cho người dân có thu nhập thấp và trung bình.
“Với những bước đi quyết liệt và hiệu quả trong việc cải cách thể chế và triển khai các dự án nhà ở xã hội, thị trường BĐS Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn góp phần vào việc nâng cao chất lượng sống, thúc đẩy sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường BĐS Việt Nam trong tương lai”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Phát triển nhà ở xã hội để hạ nhiệt giá chung cư
Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Thủ tướng yêu cầu, các bộ ngành liên quan và các tỉnh, thành phố tập trung triển khai thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Hiện nay, một số địa phương đang tăng tốc phát triển các dự án nhà xã hội, đặc biệt tại các thành phố lớn hay các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, dự kiến, thành phố có 19 dự án được hoàn thành giai đoạn 2021 – 2025, đạt khoảng 78,3% so với chỉ tiêu tại kế hoạch phát triển của thành phố. Một số dự án nhà ở xã hội nằm ở vị trí đẹp đã và đang chuẩn bị được khởi công.
Theo một số chuyên gia, giá căn hộ nhà ở xã hội chỉ bằng 1/3 giá căn hộ nhà ở thương mại có cùng vị trí, cùng hạ tầng và cùng điều kiện giao thông tương tự. Do đó, nhà ở xã hội đang được người dân mong chờ, đồng thời, nếu số lượng nhà ở xã hội tăng lên là một trong những giải pháp quan trọng để hạ giá nhà hiện nay.
Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam Phạm Đức Toản cho hay, trong bối cảnh hiện nay, muốn giảm giá nhà thì phải có sự vào cuộc của Nhà nước, thông qua phát triển nhà ở xã hội, đẩy mạnh xây dựng các khu nhà ở quy mô lớn, số lượng lớn.
Từ đó, các chuyên gia cho rằng, phải tập trung tìm giải pháp để đề án phát triển hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội có thể đi vào hiện thực.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV từng cho rằng, cần có sự chung tay của “bốn nhà” gồm: Nhà nước, nhà băng, nhà phát triển và nhà dân (người mua nhà ở xã hội).
Trong đó, Nhà nước giữ vai trò là đầu tàu, các địa phương chủ động xây dựng rà soát, thực hiện quy hoạch quỹ đất cho nhà ở xã hội. Cần sớm nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù của địa phương.
Về phía nhà băng nên xem xét lại câu chuyện lãi suất vay ưu đãi sao cho thực sự “ưu đãi” với nhóm thu nhập thấp. Nhà phát triển dự án dừng tư duy “làm cho xong” mà phải “làm cho tới”. Bởi nhà ở xã hội cũng phải đảm bảo chất lượng, đầy đủ hệ sinh thái liên quan gồm hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, chợ…
Còn với nhà dân, bên cạnh sự hỗ trợ của các ban ngành, cần chủ động trong tích lũy, lập kế hoạch tài chính cho việc mua, hiện thực hóa giấc mơ an cư trong bối cảnh thị trường đang chuyển đổi.