Chi tiết

Thị trường “ru ngủ”, cổ phiếu HVN bất ngờ bùng nổ

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là tâm điểm trong bối cảnh chung giao dịch ảm đạm và trong phiên chiều cuối tuần, thị trường đón thêm một “ngôi sao sáng”, đó là cổ phiếu HVN.

Thị trường đã cân bằng hơn sau pha giảm khá mạnh ngày hôm qua. Tuy nhiên, việc thiếu các nhóm cổ phiếu trụ cột dẫn dắt cùng dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài, đã khiến VN-Index chỉ biến động quanh mốc tham chiếu và tạm dừng phiên sáng với mức tăng nhẹ.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường tiếp tục duy trì trạng thái ảm đạm. Chỉ số VN-Index nới nhẹ biên độ nhưng chưa kịp chạm mốc 1.260 điểm đã giật lùi trở lại. Tuy vậy, thị trường vẫn bảo toàn sắc xanh và khép lại phiên giao dịch cuối tuần tăng nhẹ chưa tới 3 điểm, với điểm sáng vẫn thuộc về nhóm cổ phiếu vận tải.

Trong đó, bên cạnh các mã vận tải biển vừa và nhỏ như VOS và VTO vẫn duy trì sắc tím với khối lượng dư mua trần tương ứng gần 2 triệu đơn vị và 0,6 triệu đơn vị, trong phiên chiều có “ngôi sao” mới là HVN.

Cổ phiếu HVN đã tăng tốc và đóng cửa ghi nhận mức tăng 6,9% lên mức 29.300 đồng/CP, mức giá cao nhất trong hơn 4 tháng; đồng thời thanh khoản bùng nổ, đạt 6,5 triệu đơn vị, gấp gần 3 lần khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây của HVN và kết phiên dư mua trần hơn 1,77 triệu đơn vị.

Trong thời gian gần đây, Vietnam Airlines đã đón một loạt thông tin tích cực. Đầu tiên, ngày 30/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép hãng hàng không này được chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cho phép CTCP Hàng không Pacific Airlines (công ty con của Vietnam Airlines) được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế đến hết ngày 31/12/2024. Sau thời hạn này, cơ quan thuế tính tiền chậm nộp, đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế đúng quy định với hãng bay giá rẻ này.

Mặt khác, tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines trong năm 2024 cũng khả quan trở lại với kết quả 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận 85.466 tỷ đồng tổng doanh thu hợp nhất, tăng trưởng hơn 24,64% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 6.263 tỷ đồng.

Ngoài các mã trên, nhiều cổ phiếu khác trong nhóm vận tải và cảng biển cũng ghi nhận mức tăng khá tốt như VIP tăng 5,4% và khớp gần 1 triệu đơn vị, VNL tăng 2,5%, VSC, PVP, GSP tăng quanh mức 2%, HAH tăng hơn 1,6%…

Nhóm cổ phiếu dệt may vẫn duy trì diễn biến tích cực trong phiên chiều, trong đó TVT tăng 6,1%, GIL tăng 4,1%, TCM tăng 2%…

Trong khi đó, bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép giao dịch khá yếu. Trong đó, chứng khoán là một trong 4 nhóm trên thị trường đóng cửa giảm nhẹ khi hầu hết các mã như VND, CTS, AGR, DSC, HCM, VCI… đều giao dịch dưới mốc tham chiếu. Cổ phiếu SSI ngược dòng thành công nhưng đóng cửa cũng chỉ tăng nhẹ 0,2% với thanh khoản thuộc top 5 thị trường và là mã sôi động nhất ngành, đạt gần 12,3 triệu đơn vị, trong khi VND giảm gần 2% và khớp hơn 8 triệu đơn vị.

Xét về vốn hóa, nhóm cổ phiếu VN30 vẫn khá phân hóa khi kết phiên tăng nhẹ 3,6 điểm với 14 mã tăng và 12 mã giảm. Trong đó, BCM và VNM tăng tốt nhất đều đạt hơn 1,5%; còn BVH giảm mạnh nhất khi để mất 2,3%.

Tuy nhiên, dòng tiền vẫn “ưu ái”, tiếp tục hỗ trợ tốt cho các cổ phiếu vừa và nhỏ. Bên cạnh các mã thị giá nhỏ như OGC, TDH kéo trần thành công và đều trong trạng thái trắng bên bán, một mã đáng chú ý là YEG. Sức nóng của “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã giúp cổ phiếu YEG nối dài chuỗi tăng trần, đóng cửa phiên hôm nay tại mức giá trần 19.000 đồng/CP và dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị, tăng gần gấp đôi trong tháng 12 này.

Đóng cửa, sàn HOSE có 238 mã tăng và 149 mã giảm, VN-Index tăng 2,83 điểm (+0,23%) lên 1.257,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 568,9 triệu đơn vị, giá trị 13.534,2 tỷ đồng, giảm 27% về khối lượng và 24,3% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 121,9 triệu đơn vị, giá trị 2.988,3 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, mặc dù khá nỗ lực để hồi phục nhưng áp lực bán gia tăng vào cuối phiên, với tâm điểm là các cổ phiếu HNX30, đã khiến thị trường quay đầu giảm.

Đóng cửa, sàn HNX có 93 mã tăng và 64 mã giảm, HNX-Index giảm 0,47 điểm (-0,21%) xuống 227,07 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 45,77 triệu đơn vị, giá trị 772,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,7 triệu đơn vị, giá trị 45 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 kết phiên giảm 3 điểm khi có 17 mã giảm và chỉ 8 mã tăng, trong đó, TIG và L14 tăng tốt nhất đều đạt 2%; ngược lại cặp đôi họ P là PVC và PLC giảm sâu nhất, tương ứng giảm 2,7% và 1,9%.

Cổ phiếu dệt may TNG vẫn ngược dòng thị trường chung, đóng cửa tăng 1,2% lên mức 26.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 3,6 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu đáng chú ý khác là cặp đôi nhà Vinaconex, gồm VC7 tăng kịch trần lên mức 13.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3 triệu đơn vị; và VC2 đóng cửa tăng 6,3% lên mức 10.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 1,7 triệu đơn vị.

Trái lại, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng kém tích cực. Trong đó, SHS lấy lại vị trí dẫn đầu về thanh khoản với 4,56 triệu đơn vị khớp lệnh nhưng đóng cửa giảm nhẹ 0,8%; MBS giảm 1% và khớp 1,5 triệu đơn vị, VFS giảm 0,6% và khớp 1,15 triệu đơn vị, BVS giảm 0,8%, PSI giảm 1,4%…

Trên UPCoM, thị trường tiếp tục nới nhẹ biên độ tăng trong phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,67 điểm (+0,72%) lên 93,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 66,52 triệu đơn vị, giá trị 691 tỷ đồng.

Cổ phiếu dệt may VGT vẫn giữ mức tăng 4,9%, đóng cửa đứng tại mức giá 14.900 đồng/CP và thanh khoản đạt hơn 6,36 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cặp đôi cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến tích cực, với BSR đóng cửa tăng 2,3% và khớp 3,57 triệu đơn vị; còn OIL tăng 1,7% và khớp gần 2 triệu đơn vị.

Xét về vốn hóa, tâm điểm thị trường vẫn thuộc về các cổ phiếu thị giá thấp. Điển hình là HNG đóng cửa tăng 14,5% lên mức giá trần 6.300 đồng/CP với thanh khoản bùng nổ, đạt hơn 17,5 triệu đơn vị; HBC đóng cửa tăng 4% lên mức 5.200 đồng/CP và khớp 3,64 triệu đơn vị, PVX tăng 7,1% và khớp 1,9 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó VN30F2501 đáo hạn gần nhất vào ngày 16/1/2025 tăng ít nhất là 3,2 điểm, tương đương +0,2% lên 1.321,2 điểm; khớp lệnh đạt hơn 136.290 đơn vị, khối lượng mở 28.260 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, hai mã có thanh khoản tốt nhất đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó CHPG2334 khớp 1,79 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 6,3% xuống 150 đồng/cq và CSTB2328 khớp 1,64 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 10% xuống 180 đồng/cq.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-ru-ngu-co-phieu-hvn-bat-ngo-bung-no-post360340.html