(ĐTCK) Các nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu chính phủ Trung Quốc đang bi quan về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và tăng các khoản cược vào vòng xoáy giảm phát giống như tình trạng của Nhật Bản vào những năm 1990.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đã giảm mạnh trong những tuần gần đây xuống mức thấp kỷ lục, tạo ra khoảng cách chưa từng có là 300 điểm cơ bản so với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, bất chấp một loạt các biện pháp kích thích kinh tế được công bố.
Sự sụt giảm đã kéo lợi suất trái phiếu của Trung Quốc xuống mức thấp hơn nhiều so với mức trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đại dịch Covid, nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng tăng rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ không ngăn được Trung Quốc trượt vào tình trạng suy thoái kinh tế có thể kéo dài hàng thập kỷ.
Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán lớn nhất ở Trung Quốc cũng đã thực hiện nghiên cứu về những thập kỷ mất mát của Nhật Bản.
Richard Koo, nhà kinh tế học tại Nomura nổi tiếng với việc so sánh hai quốc gia cho biết, ông đã được các công ty và nhóm nghiên cứu Trung Quốc tiếp cận để chia sẻ quan điểm của mình. Tuần này, Goldman Sachs cho biết, trường hợp của Nhật Bản cung cấp một “sổ tay hướng dẫn có giá trị” cho các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc.
Mặc dù tiếng vang của Nhật Bản thời hậu bong bóng vẫn chưa chắc chắn, nhưng những điểm tương đồng là khó có thể bỏ qua. Cả hai quốc gia đều chịu ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của thị trường bất động sản, đầu tư tư nhân yếu, tiêu dùng ảm đạm, nợ chồng chất và dân số già hóa nhanh chóng. Ngay cả các nhà đầu tư chỉ ra sự kiểm soát chặt chẽ hơn của Trung Quốc đối với nền kinh tế là lý do để lạc quan cũng lo ngại rằng các quan chức đã chậm hành động mạnh mẽ hơn. Một bài học rõ ràng từ Nhật Bản là việc phục hồi tăng trưởng ngày càng trở nên khó khăn hơn khi chính quyền càng chờ đợi để dập tắt sự bi quan trong giới đầu tư, người tiêu dùng và doanh nghiệp.
“Đây là một vòng xoáy đi xuống và sẽ ngày càng tệ hơn nếu không được điều chỉnh…Có một yếu tố tâm lý trong bài học của Nhật Bản là tình trạng này càng kéo dài, thì lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng càng yếu đi”, Xin-Yao Ng, Giám đốc đầu tư tại abrdn cho biết.
Thị trường Trung Quốc đã bước vào năm 2025 trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức. Với mức lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên giảm xuống dưới 1,6%, các chuyên gia đã đưa ra viễn cảnh không thể tưởng tượng được là lợi suất gần bằng 0. Chỉ số CSI 300 đã giảm 3,5% trong bốn phiên đầu tiên năm nay, trong khi đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đang giao dịch gần mức thấp kỷ lục.
Vấn đề là các chính sách cho đến nay vẫn chưa đủ tham vọng để đảo ngược tình trạng giá cả sụt giảm, với niềm tin của người tiêu dùng yếu, khủng hoảng bất động sản, môi trường kinh doanh không chắc chắn kết hợp lại để kìm hãm lạm phát.
Mặt khác, nhiều nhà phân tích đã chỉ ra sự khác biệt lớn giữa Trung Quốc ngày nay và Nhật Bản vào cuối những năm 1990, đặc biệt là thu nhập trung bình thấp hơn của Trung Quốc – điều này tạo cho nước này nhiều không gian hơn để tăng trưởng.
“Chi tiêu thấp hơn của các hộ gia đình và tập đoàn chỉ cho thấy suy thoái bảng cân đối kế toán một phần ở Trung Quốc”, Wang Yingrui, nhà kinh tế tại AXA Investment Managers cho biết.
David Qu, nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết sự tích tụ của các biện pháp kích thích và khả năng chạm đáy của thị trường bất động sản có thể khiến nền kinh tế phục hồi vào năm 2026. Ông cho biết, sức ép của ngành bất động sản lên nền kinh tế có thể giảm bớt trong khi các ngành công nghiệp mới bao gồm xe điện sẽ đóng vai trò lớn hơn.
Thập kỷ mất mát của Nhật Bản
Số phận của Nhật Bản trong những thập kỷ mất mát từ năm 1990 đến năm 2010 cũng đã đưa ra một lời cảnh báo nghiêm khắc cho các nhà đầu tư vào tài sản của Trung Quốc.
Chỉ số Nikkei 225 đã mất hơn 70% giá trị trong giai đoạn đó, và chỉ số này mất hơn 30 năm để lấy lại mức đỉnh năm 1989, một kỳ tích đạt được vào năm ngoái chỉ sau một thời gian dài kích thích tiền tệ phi thường, sự thay đổi mô hình trong quản trị doanh nghiệp và sự phục hồi lạm phát được mong đợi từ lâu.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh ở mức trên 8% vào năm 1990, trước khi bắt đầu trượt dốc kéo dài xuống dưới 0 vào giữa những năm 2010. Hiện tại, lợi suất này giao dịch ở mức khoảng 1%. Lợi suất cực thấp là dấu hiệu của giảm phát khi các nhà đầu tư kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất ở mức thấp để phục hồi nhu cầu trong nước.
Thị trường Trung Quốc cũng đang đi theo hướng tương tự. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước này đã giảm xuống dưới 1,6% vào thứ Hai (6/1), trong khi vào năm 2013 lợi suất ở mức gần 5%. Chỉ số CSI 300 đang giao dịch thấp hơn 30% so với mức cao nhất ghi nhận vào tháng 2/2021.
Đây là sự tương phản rõ rệt với những gì đang diễn ra trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ và những nơi khác với kỳ vọng về một môi trường lạm phát hơn sau lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đẩy lợi suất lên cao hơn.
Như nhà đầu tư kỳ cựu của thị trường mới nổi Mark Mobius tin rằng, Trung Quốc có các công cụ để tránh đi theo số phận của Nhật Bản. “Vì chính phủ có khả năng điều tiết sâu sắc tới nền kinh tế, nên họ có khả năng thực hiện các biện pháp tài khoá được thiết kế để giảm hoặc thậm chí loại bỏ nhiều yếu tố tiêu cực”, ông cho biết.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-trai-phieu-bao-dong-ve-vong-xoay-giam-phat-o-trung-quoc-post361441.html