Nhằm giữ giá rẻ, các công ty thiết bị điện mặt trời Trung Quốc luôn nhanh chóng dời nhà máy khỏi các nước xuất xứ bị Mỹ áp thuế.
Trung Quốc chiếm khoảng 80% thị phần thiết bị năng lượng mặt trời toàn cầu và phần lớn còn lại thuộc về các trung tâm xuất khẩu tại châu Á, theo công ty nghiên cứu thị trường SPV Market Research. Điều này hoàn toàn trái ngược với hai thập kỷ trước, khi Mỹ dẫn đầu ngành này.
Kể từ khi Mỹ bắt đầu áp thuế lên mặt hàng thiết bị điện mặt trời năm 2012, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã tăng 3 lần, đạt mức kỷ lục 15 tỷ USD vào 2023. Năm ngoái, gần như không có sản phẩm nào nhập trực tiếp từ Trung Quốc nhưng khoảng 80% đến từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Campuchia – nơi có các nhà máy thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc.
Bất chấp nhiều đợt áp thuế của Mỹ trong hơn một thập kỷ qua nhằm kiềm chế sự phát triển của ngành thiết bị điện mặt trời Trung Quốc, các công ty nước này đã có chiến thuật thích ứng linh hoạt. Theo đó, họ liên tục giảm sản lượng tại các trung tâm sản xuất bị Mỹ áp thuế và di chuyển đến những địa điểm mới, theo Reuters.
Năm ngoái, Washington đã áp thuế lên các sản phẩm năng lượng mặt trời nhập từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Campuchia và tiếp tục tăng mức thuế thêm vào tháng 10, sau khi nhận được khiếu nại từ các nhà sản xuất trong nước. Vì vậy, nguồn tin của Reuters cho hay một số nhà máy năng lượng mặt trời lớn do Trung Quốc sở hữu tại Việt Nam đang giảm sản lượng, trong khi cơ sở mới được mở nơi khác.
Trong 18 tháng qua, ít nhất 4 dự án có liên kết với Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động tại Indonesia và Lào, cùng với hai dự án khác được công bố. Tổng cộng công suất sản xuất tấm pin hoặc tế bào quang điện đạt 22,9 gigawatt (GW).
Phần lớn sản lượng này sẽ được bán sang Mỹ, thị trường năng lượng mặt trời lớn thứ hai thế giới và là thị trường mang lại lợi nhuận cao nhất. Giá năng lượng mặt trời tại Mỹ trung bình cao hơn 40% so với tại Trung Quốc trong bốn năm qua, theo dữ liệu từ PVinsights.
“Đây là một cuộc chơi mèo vờn chuột khổng lồ”, William A. Reinsch, cựu quan chức thương mại dưới thời chính quyền Clinton và cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận xét. “Việc di dời không quá khó khăn. Bạn chỉ cần xây dựng lại và tiếp tục. Cách các quy định được thiết kế thường khiến Mỹ luôn chậm một bước”, ông nói thêm.
Các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Mỹ nhiều lần đệ đơn khiếu nại lên chính phủ rằng họ không thể cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc. Họ cáo buộc chúng được trợ cấp không công bằng từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, các công ty năng lượng mặt trời Trung Quốc phản biện rằng khả năng làm chủ công nghệ của họ giúp cạnh tranh về giá.
Thuế quan là chủ đề lớn trong cuộc bầu cử Mỹ, khi cựu Tổng thống Donald Trump đề xuất áp thuế lên tất cả mặt hàng nhập khẩu nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, bao gồm mức thuế 60% đối với các sản phẩm từ Trung Quốc. Đối thủ của ông, Phó tổng thống Kamala Harris cho rằng kế hoạch của Trump sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ.
Các nhà lập pháp từ cả hai đảng đều ủng hộ việc thắt chặt thuế quan lên các thiết bị điện mặt trời Trung Quốc nhằm phát triển chuỗi cung ứng nội địa. “Trong tương lai, công chúng Mỹ cần yêu cầu việc thực thi thuế quan chặt chẽ hơn, đặc biệt là ngăn chặn Trung Quốc sử dụng các quốc gia thứ ba để né luật thương mại của Mỹ,” Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa John Moolenaar, Chủ tịch Ủy ban Chọn lọc về Trung Quốc tại Hạ viện, nói với Reuters.
Beny Adi Purwanto, quan chức thuộc Bộ Công nghiệp Indonesia, cho biết các nhà sản xuất thiết bị điện mặt trời đang đổ xô sang nước này. Ví dụ, nhà máy tại Indonesia của Thornova Solar sản xuất mô-đun năng lượng và tế bào quang điện với công suất 2,5 GW mỗi loại, chuyên phục vụ thị trường Bắc Mỹ.
Dự án khác có thể kể đến như nhà máy sản xuất mô-đun của China Lesso Group công suất 2,4 GW. Hay New East Solar, công ty liên kết với Trung Quốc đã công bố việc xây dựng nhà máy sản xuất 3,5 GW tấm pin và tế bào quang điện.
Quản lý tại một công ty năng lượng mặt trời Mỹ cho biết quá trình chuyển sản xuất sang Indonesia diễn ra rất nhanh, khi nhà cung cấp đang ngập đơn hàng lớn từ những công ty Trung Quốc muốn xuất khẩu sang Mỹ. Kim ngạch thiết bị năng lượng mặt trời từ Indonesia bán sang Mỹ đã tăng gần gấp đôi, đạt 246 triệu USD tính đến tháng 8.
Lào cũng là điểm đến mới của Imperial Star Solar (có nguồn gốc từ Trung Quốc) nhưng phần lớn sản xuất tại Campuchia. Họ đã mở nhà máy tấm wafer tại Lào vào tháng 3, kế hoạch tăng công suất lên 4 GW. Lúc đó, công ty tuyên bố rằng động thái này giúp họ tránh được thuế quan của Mỹ.
Một cái tên khác là SolarSpace đã mở nhà máy sản xuất tế bào năng lượng mặt trời công suất 5 GW tại Lào vào tháng 9/2023. Tuy vậy, họ phủ nhận mục đích chuyển năng lực sản xuất sang Lào liên quan đến thuế quan Mỹ. Xuất khẩu thiết bị điện mặt trời từ Lào sang Mỹ chưa có trong năm ngoái nhưng đã đạt khoảng 48 triệu USD vào 8 tháng đầu năm nay.
Một số công ty khác còn đi xa hơn. JinkoSolar đã ký hợp đồng gần một tỷ USD với các đối tác tại Arab Saudi để xây dựng nhà máy sản xuất 10 GW tế bào và mô-đun năng lượng mặt trời tại quốc gia Trung Đông này.
Việc xây dựng các nhà máy sản xuất năng lượng mặt trời tại Mỹ của các công ty Trung Quốc cũng đang bùng nổ. Theo phân tích của Reuters, các công ty Trung Quốc sẽ có ít nhất 20 GW công suất sản xuất pin năng lượng mặt trời ngay tại nước này trong năm tới, đủ để phục vụ khoảng một nửa thị trường Mỹ.
Phiên An (theo Reuters)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thiet-bi-dien-mat-troi-trung-quoc-choi-meo-von-chuot-voi-my-4811919.html