Chi tiết

Thiếu đa dạng kênh huy động vốn khiến doanh nghiệp không thể ‘lớn’

TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VFCA. Ảnh: VietnamFinance

Sáng 6/12, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) phối hợp với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance tổ chức hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025”.

Tại hội thảo, TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VFCA, đánh giá thị trường vốn là cấu phần quan trọng của thị trường tài chính – nơi cung ứng nguồn vốn trung hạn và dài hạn, góp phần huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, tạo nền tảng vật chất thiết yếu để nền kinh tế quốc gia tăng trưởng.

Trong bối cảnh hướng tới kỷ nguyên vươn mình phát triển bứt phá, thị trường vốn còn là động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Thời gian qua, dù đối mặt với nhiều biến cố khó lường, nhưng thị trường vốn Việt Nam đã dịch chuyển theo hướng ngày càng cân đối, hài hòa và bền vững hơn như giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, tăng tỷ trọng nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển ấn tượng thời gian qua, thị trường vốn Việt Nam hiện nay còn tiềm ẩn nhiều thách thức cần được giải quyết. Cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp còn kém bền vững, chủ yếu được phát hành bởi nhóm ngân hàng và bất động sản. Thị trường cổ phiếu biến động nhất trong khu vực, vẫn còn cách xa các chỉ tiêu đề ra cả về chất và lượng. Thị trường bảo hiểm trong 2 năm vừa qua, có tốc độ tăng trưởng thấp kỷ lục.

Trên thị trường tín dụng ngân hàng, áp lực nợ xấu đang gia tăng trong khi bộ đệm dự phòng của không ít nhà băng đang mỏng dần, cho thấy những yếu tố rủi ro đang tiềm ẩn.

Quy mô thị trường vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực; các sản phẩm còn ít, chưa đa dạng; tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao, chế tài chưa đủ sức răn đe; hạn chế về hạ tầng công nghệ, niềm tin của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào thị trường vốn chưa thực sự hồi phục, nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững…

TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh VietnamFinance.

Nói thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho biết vốn đầu tư đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, mức độ đầu tư của Việt Nam đang thấp nên quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng chưa cao.

Để thực hiện hóa được mục tiêu Net Zero và thích ứng biến đổi khí hậu, Việt Nam cần nguồn vốn lên tới 701 tỷ USD, trong đó, con số này ở khu vực tư nhân là 350 tỷ USD, khu vực nhà nước là 248 tỷ USD và vốn nước ngoài là 103 tỷ USD.

Theo ông Tú Anh, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. Một trong những thách thức lớn nhất là nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc lớn vào ngân hàng. Việc “dựa dẫm” quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng có thể gây ra nhiều rủi ro lớn khi sức khỏe của hệ thống ngành ngân hàng đang có nhiều tín hiệu báo động, chẳng hạn như rủi ro nợ xấu tăng cao.

Bên cạnh đó, tín dụng trên đầu người cao hơn rất nhiều so với GDP bình quân đầu người. “Điều này cho thấy sự thiếu liên kết giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP. Phải chăng lượng vốn tín dụng thực sự đi vào nền kinh tế không phải là con số lớn như thống kê chỉ ra?” ông Tú Anh trăn trở.

Trong khi đó, thị trường TPDN – kênh huy động vốn trung và dài hạn lại đang chỉ có sự tham gia chủ yếu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản. Thiếu hụt sự đa dạng về kênh huy động vốn khiến nhiều doanh nghiệp Việt khó tiếp cận nguồn vốn. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà ngay cả các doanh nghiệp trung bình cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp không thể “lớn’, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, theo ông Tú Anh, cần phải đẩy mạnh đầu tư và nâng cao chất lượng đầu tư bằng cách đa dạng hóa các kênh huy động vốn.

“Một nền kinh tế phát triển không thể dựa mãi vào ngân hàng. Chúng ta phải phát triển những thị trường vốn then chốt khác, trong đó có thị trường trái phiếu và chứng khoán. Khi thị trường vốn phát triển, đa dạng hóa hơn, nền kinh tế cũng sẽ có những khởi sắc mới’, ông khẳng định.

Nâng cao chất lượng hàng hóa

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup, để phát triển bền vững thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường vốn nói chung, cần nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, cần đẩy mạnh giảm sở hữu Nhà nước ở những công ty, ngành mà Nhà nước không cần sở hữu chi phối hoặc kiểm soát. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trên UPCoM chuyển sang sàn niêm yết và nâng cao hoặc rà soát chuẩn niêm yết hoặc để các công ty tăng cường quản trị doanh nghiệp và minh bạch. Ngoài ra cần tiếp tục cải thiện hơn nữa chất lượng công bố thông tin.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp, cần tiếp tục chuẩn hóa và cải thiện minh bạch thông tin; có cơ chế hỗ trợ cho phát hành trái phiếu xanh; Triển khai hoạt động xếp hạng tín nhiệm đối với TPDN; Hình thành khung pháp lý cho các công ty bảo lãnh trái phiếu; Xây dựng nền tảng mềm (đường cong lãi suất, lịch sử vỡ nợ, v.v.)

Cùng với đó, có cơ chế khuyến khích cho trái phiếu xanh, xã hội, bền vững, đồng thời, cho phép các định chế tài chính tham gia sâu hơn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp dựa trên khung quản trị đầu tư dựa trên rủi ro.

Còn theo ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần FIDT, để thị trường vốn phát triển bền vững cần nâng cao dân trí tài chính toàn diện, phát triển có lộ trình nghề tư vấn tài chính tại Việt Nam.

Ngoài ra cần gia tăng số lượng và chất lượng “rổ hàng” bằng cách tăng tính minh bạch thông tin và cơ cấu nhà đầu tư (khơi dòng vốn từ các quỹ hưu trí, bảo hiểm), nâng hạng thị trường chứng khoán và nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia để hút dòng vốn ngoại.

Dự báo về triển vọng thị trường vốn Việt Nam, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh năm 2024 đã có sự tăng trưởng tốt, đây là nền tảng để tăng trưởng kinh tế năm 2025 tốt hơn.

Nhờ vậy, thị trường cổ phiếu sẽ có xu hướng tăng, là tiền đề tốt để nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Với đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của năm 2025, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng dư nợ tín dụng có thể tăng trưởng ở mức 13-17%.



Nguồn