(ĐTCK) Trong các đợt thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phương thức bán lẻ ít được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sử dụng, mà chủ yếu là bán buôn, tức bán cả lô cho các nhà đầu tư lớn.
Chủ yếu là bán buôn
Một lãnh đạo SCIC cho biết, theo quy định hiện hành về định giá cổ phần và thoái vốn nhà nước, giá khởi điểm đem ra đấu giá cổ phần không được thấp hơn thị giá cổ phiếu trên sàn. Bởi thế, dù được phép bán lẻ và bán cả lô, nhưng với giá khởi điểm như trên, các đợt bán vốn nhà nước khó có khả năng hấp dẫn các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Phương thức bán lẻ do đó ít được SCIC sử dụng, mà chủ yếu là bán buôn, tức bán cả lô cho các nhà đầu tư lớn.
Với cách thức chào bán cổ phần trọn lô, ban đầu là đấu giá công khai, nếu không thành công, SCIC sẽ chào bán cạnh tranh lần 2. Nếu vẫn không thành công, SCIC sẽ tiếp tục chào bán cạnh tranh lần 3 và được phép hạ giá khởi điểm 10% so với các lần trước.
Vấn đề khó nhất trong các đợt thoái vốn của SCIC được cho là liên quan đến công tác định giá, đặc biệt là việc sắp xếp xử lý đất đai. Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp càng có quyền sử dụng nhiều đất đai thì càng khó khăn trong định giá và thời gian để thực hiện thoái vốn sẽ kéo dài. Những doanh nghiệp như Tổng công ty Tư vấn Thiết kế xây dựng, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex)… thuộc diện này.
Cũng theo quy định hiện nay, tiền thu được từ thoái vốn không chỉ SCIC mà các bộ ngành, địa phương đều phải nộp về Quỹ Hỗ trợ và sắp xếp đổi mới doanh nghiệp. Do đó, việc thoái vốn nhà nước trong nhiều trường hợp không phải là động lực lớn với bên bán. Dù vậy, việc thoái vốn các doanh nghiệp liên kết, công ty con ở các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước lại có ý nghĩa lớn hơn. Bởi công ty mẹ được hạch toán phần thu từ thoái vốn vào lợi nhuận doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp giúp doanh nghiệp tái cơ cấu nợ, có dòng tiền xông xênh hơn để tái đầu tư… Nhưng như đã đề cập, giá khởi điểm các phiên thoái vốn nhà nước đều phải cao hơn thị giá cổ phiếu trên sàn, nên bên mua thường không phải nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Như vậy, có thể thấy các đợt thoái vốn đưa ra thị trường tới đây ít có tác động trực tiếp tới cung hàng trên thị trường, ngược lại mang đến cơ hội nhiều hơn cho các tổ chức đầu tư, nhà đầu tư chiến lược.
Ì ạch cổ phần hóa, thoái vốn
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến tháng 4/2024, có 85 doanh nghiệp nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp. Trong đó, cổ phần hoá “giậm chân tại chỗ”, còn thoái vốn thực hiện được tại 4 doanh nghiệp, thu về 149,2 tỷ đồng.
Trong số 85 doanh nghiệp được phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, có 22 doanh nghiệp trung ương và 63 doanh nghiệp địa phương. Nhóm 22 doanh nghiệp trung ương gồm: 11 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Mobifone, Tập đoàn Cao su Việt Nam…); 5 doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông – Vận tải (Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Công ty Thông tin điện tử hàng hải, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Nhà xuất bản Giao thông). Cùng với đó là 3 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng (Tổng công ty Cơ khí xây dựng, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam; 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính (Công ty Mua bán nợ Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt); 1 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.
Theo đánh giá của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, tình hình cổ phần hóa vẫn “giậm chân tại chỗ” khi chưa có doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Trước đó, ngày 29/11/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1479/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, sẽ cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam…; đồng thời, thoái vốn nhà nước tại 141 doanh nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp có phần vốn nhà nước cần phải thoái lớn như Tổng công ty Cơ khí xây dựng, Tổng công ty Sông Hồng, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab)…
“Trong 4 tháng đầu năm 2024, đã thực hiện thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với tổng giá trị phần vốn nhà nước là 139 tỷ đồng, thu về 149,2 tỷ đồng, trong đó, UBND TP. Hải Phòng thoái vốn tại 3 doanh nghiệp; Bộ Xây dựng đã thoái vốn tại 1 doanh nghiệp”, báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết.
Trước đó, trong năm 2023, tình hình thoái vốn nhà nước cũng kém tích cực khi số tiền thu về chưa được 250 tỷ đồng.
Do thoái vốn, cổ phần hoá ì ạch nên giai đoạn 2021-2022, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp chỉ đạt 4.800 tỷ đồng, bằng 8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao là 60.000 tỷ đồng.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thoai-von-nha-nuoc-ban-buon-hon-ban-le-post345956.html