Theo số liệu của Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay, Bình Dương cấp mới gần 60 dự án đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và trên 30 dự án góp vốn, mua cổ phần, với tổng vốn đầu tư gần 280 triệu USD.
Trong đó, ngành nghề thu hút chủ yếu là chế biến, chế tạo chiếm tới hơn 95%, tiếp đến là bất động sản. Quốc gia đầu tư nhiều nhất là Trung Quốc, Singapore…
Luỹ kế, Bình Dương đang thu hút 4.094 dự án có hiệu lực, với tổng vốn trên 40,5 tỉ USD, đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI (sau TP HCM và Hà Nội).
Theo kế hoạch, năm 2024, Bình Dương dự kiến thu hút khoảng 1,8 tỉ USD vốn FDI, riêng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh phấn đấu thu hút 1,2-1,3 tỉ USD và từ 1.100-1.200 tỉ đồng vốn đầu tư trong nước.
Trước khi cấp phép đầu tư, các cơ quan chức năng chú trọng việc chọn lọc, thẩm định tính khả thi của dự án, đánh giá năng lực tài chính, uy tín của nhà đầu tư, đồng thời kiên quyết từ chối những dự án không chất lượng, không phù hợp với định hướng của tỉnh.
Theo định hướng, Bình Dương sẽ ưu tiên thu hút các dự án ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít lao động và đạt giá trị gia tăng cao.
Cũng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Bình Dương di dời doanh nghiệp, khu công nghiệp phía Nam lên phía Bắc của tỉnh nhằm tạo không gian phát triển thương mại, dịch vụ cho các địa phương phía Nam.