Chi tiết

Thu ngân sách không tăng, doanh nghiệp “đã khó càng khó”

Đánh thuế: Thu ngân sách không tăng

Hiệp hội Bia -Rượu – Nước Giải khát Việt Nam (VBA) vừa hoàn thiện báo cáo Tổng hợp và phân tích các nghiên cứu trong nước và quốc tế về bệnh thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác, kinh nghiệm quốc tế và tác động của chính sách thuế đối với nước giải khát có đường (NGKCĐ).

Trong báo cáo vừa công bố, VBA khẳng định, các thông tin khoa học và thực tiễn đã đúc kết rằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với NGKCĐ không hiệu quả về mặt sức khỏe, trong khi lại tạo một chính sách thuế mang tính phân biệt, và tác động xấu đến nền kinh tế và sinh kế của người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Dẫn nghiên cứu của Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), VBA cho biết, cơ quan này đã chỉ ra rằng nếu áp dụng mức thuế TTĐB 10% đối với NGKCĐ thì thu ngân sách từ thuế gián thu (thuế TTĐB) năm đầu tiên (2026) sẽ tăng khoảng 8.507 tỷ đồng nhưng thu ngân sách từ thuế trực thu sẽ giảm khoảng 2,152 tỷ đồng.

Đáng chú ý, từ những năm tiếp theo (tức từ năm 2027 trở đi), thu ngân sách từ thuế gián thu sẽ bắt đầu suy giảm với mức -0,495%/năm, tương ứng ước tính giảm khoảng 4.978 tỷ đồng/năm, cùng với đó là nguồn thu từ thuế trực thu cũng tiếp tục giảm.

Điều này dẫn tới giảm giá trị tăng thêm, giảm giá trị sản xuất, giảm lợi nhuận; kéo theo làm giảm tổng nguồn thu ngân sách ở các chu kỳ sau. Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá việc áp dụng chính sách thuế TTĐB này sẽ không chỉ tác động trực tiếp lên ngành đồ uống mà còn tác động lan tỏa tới 25 ngành trong nền kinh tế và dẫn đến sụt giảm khoảng 0,448% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng. Do vậy, CIEM đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB đối với NGKCĐ.

Ảnh minh họa: Doanh nghiệp nước giải khát đã khó càng thêm khó

Doanh nghiệp khó khăn

Dưới góc độ doanh nghiệp, VBA cho rằng các doanh nghiệp trong ngành nước giải khát đang gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất, chi phí hoạt động gia tăng, trong khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm.

Theo VBA, quá trình phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành nước giải khát đang chịu ảnh hưởng tiêu cực không chỉ từ các yếu tố về kinh tế xã hội mà còn từ các chính sách mới ban hành.

Cụ thể, Luật đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 cho phép công bố bảng giá đất mới sát với giá thị trường, áp dụng từ ngày 1/1/2026 và sẽ được điều chỉnh hàng năm.

Các chuyên gia nhận định, việc áp dụng quy định mới này sẽ khiến cho bảng giá đất mới tại các địa phương có thể tăng từ 2- 7 lần so với bảng giá đất hiện tại, dẫn đến chi phí thuê đất hàng năm của các doanh nghiệp sẽ tăng lên tương ứng.

Cùng với đó, Luật bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn luật Trách nhiệm tái chế, kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính, cùng với các loại phí môi trường sẽ làm chi phí tuân thủ, chi phí hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành nước giải khát tăng lên đáng kể.

Ngoài ra, giá mặt hàng đường – nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất nước giải khát tăng do thuế GTGT đối với mặt hàng đường tăng từ 5% lên 10%.

Đặc biệt, Dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đề xuất loại bỏ các ưu đãi thuế đối với nhóm mặt hàng chịu thuế TTĐB.

Như vậy, khi các luật này được thông qua và có hiệu lực từ năm 2026 thì các doanh nghiệp ngành nước giải khát cũng sẽ không được hưởng các ưu đãi thuế nếu mặt hàng NGKCĐ thuộc diện chịu thuế TTĐB.

Theo VBA, với sự gia tăng chi phí sản xuất và chi phí hoạt động do những thay đổi về chính sách như nêu trên, các doanh nghiệp trong ngành NGK sẽ buộc phải tăng giá bán sản phẩm để đảm bảo cân đối doanh thu và chi phí. Điều này có thể khiến cho lạm phát gia tăng khi mặt hàng đồ uống cũng nằm trong nhóm hàng hóa và dịch vụ được dùng để tính chỉ số CPI.

Với áp lực chi phí sản xuất, chi phí hoạt động tăng, trong khi nhu cầu tiêu dùng đang trên đà giảm, các doanh nghiệp ngành sản xuất đồ uống, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đã suy yếu nay lại phải chịu nhiều tổn thất hơn so với các ngành khác

“Do vậy, việc ban hành hay sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện hành cần phải đánh giá tác động toàn diện, nhất là đối tượng chịu tác động của chính sách, đề từ đó cân nhắc việc quy định cũng như thời điểm áp dụng chính sách cho phù hợp…”VBA đề nghị

Chính phủ đang xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) trong đó đề xuất mở rộng cơ sở tính thuế, theo hướng: “Bổ sung NGKCĐ theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 12828:2019) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB”, đồng thời, đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới. Lý giải cho đề xuất này, cơ quan soạn thảo lập luận rằng việc gia tăng sử dụng NGKCĐ khiến cho tình trạng các bệnh không lây nhiễm, trong đó có thừa cân béo phì ở Việt Nam gia tăng mạnh trọng vài thập kỷ qua. Do đó, việc áp thuế TTĐB đối với NGKCĐ sẽ góp phần giảm tỷ lệ tiêu thụ NGKCĐ, từ đó giảm tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm.



Nguồn