Tỉnh này đang dần vươn lên trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước và ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Bắc Giang là một tỉnh trung du thuộc vùng Đông Bắc Bộ và là vùng chuyển tiếp giữa vùng núi phía Bắc với châu thổ sông Hồng ở phía Nam. Với vị trí thuận lợi cách trung tâm Thủ đô Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 50 km, cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110 km và cách cảng Hải Phòng 140 km; cùng với cơ sở giao thông phát triển mạnh mẽ và nguồn nhân lực dồi dào đã khiến Bắc Giang trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.
Trong 10 tháng năm 2024, Bắc Giang đã cấp mới 21 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) với tổng số vốn đăng ký 12.000 tỷ đồng và 63 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 459,2 triệu USD.
Đồng thời, tỉnh điều chỉnh tăng vốn cho 19 dự án trong nước và 58 dự án FDI với số vốn đăng ký bổ sung lần lượt là 2.470,8 tỷ đồng và 754,7 triệu USD.
Chỉ tính riêng tháng 10/2024, tỉnh thu hút 9 dự án FDI với vốn đăng ký 92 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 3 dự án trong nước với số vốn điều chỉnh 116 tỷ đồng và 7 dự án FDI với số vốn điều chỉnh 29,1 triệu USD.
Đặc biệt năm 2023, Bắc Giang đã thu hút kỷ lục 3 tỷ USD FDI với các dự án có vốn đầu tư từ 100 triệu USD trở lên chiếm phần lớn. Điều này đã giúp Bắc Giang vươn lên đứng thứ 4 trên cả nước về thu hút FDI. Đặc biệt, trong năm 2023, các dự án điều chỉnh tăng vốn chiếm hơn một nửa số vốn FDI thu hút vào tỉnh. Điều này thể hiện sự cam kết đầu tư lâu dài của các nhà đầu tư hiện hữu trên địa bàn.
Ảnh minh họa – Nguồn: Internet |
Hiện nay, Công ty TNHH Công nghệ Shunsin Việt Nam (Công ty con thuộc Tập đoàn Foxconn) đang xin cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư 80 triệu USD được xây dựng tại một phần lô H, Khu công nghiệp Quang Châu, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang để sản xuất, gia công chip.Trong Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đang xin tham vấn từ Bộ tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH Công nghệ Shunsin cho biết sẽ góp 20 triệu USD để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, vốn vay và huy động là 60 triệu USD, tương đương 75% tổng vốn đầu tư.
Dự án có diện tích lên đến 44.343,8m2 với mục tiêu sản xuất, gia công linh kiện điện tử (sản xuất, gia công mạch tích hợp) với tổng quy mô công suất 4,5 triệu sản phẩm/năm. Các sản phẩm 100% sẽ được xuất khẩu sang Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.
Bắc Giang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước là nhờ vào sự chủ động của địa phương trong việc nâng cao kết cấu hạ tầng giao thông và công nghiệp; cũng như sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền và sự hỗ trực tiếp từ ngành chức năng, Ban Quản lý các Khu công nghiệp để giải quyết những phản ánh, khó khăn của doanh nghiệp, vận động và thu hút các nhà đầu tư.
Bắc Giang đang dần vươn lên trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Hiện nay, toàn tỉnh có 9 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng. Đến năm 2030, tỉnh dự kiến dành quỹ đất hơn 10.000ha để phát triển công nghiệp. Bắc Giang hướng tới mục tiêu có 29 khu công nghiệp với diện tích khoảng 7.000ha và 63 cụm công nghiệp với diện tích trên 3.000ha.