Cuộc đình công kéo dài tại Bangladesh đã mở ra cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp như TCM, ADS… ghi nhận tình hình kinh doanh khởi sắc trong 4 tháng đầu năm 2024.
Ngành dệt may Việt Nam nói chung đang được hưởng lợi từ việc dịch chuyển đơn hàng khỏi Bangladesh, khi công nhân ngành dệt may nước này tổ chức đình công kéo dài.
Tháng 4 là tháng đầu tiên trong năm 2024 xuất khẩu dệt may Bangladesh suy giảm, đạt 3,5 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ, riêng hàng may mặc đạt 3,29 tỷ USD giảm 1%. Lũy kế 4 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Bangladesh đạt 18,1 tỷ USD tăng 9,2% so với cùng kỳ, hàng may mặc đạt 17,1 tỷ USD tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Việc quốc gia cạnh tranh xuất khẩu may mặc đang gặp ‘bế tắc’ đã mở đường cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam phục hồi trở lại.
Theo đó, trong tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 3,15 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp ghi nhận sự tăng trưởng của ngành dệt may. Lũy kế 4 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 12,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ.
Trước các thông tin tích cực, loạt cổ phiếu dệt may đồng loạt “nổi sóng” bất chấp VN-Index đang gặp áp lực điều chỉnh. Tính đến 10h30 của phiên sáng ngày 21/5, nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng tốt như TCM (+6,4%), ADS (+4,7%), STK (+4,4%), MSH (+3,9%)…
Cổ phiếu nhóm ngành dệt may ghi nhận mức tăng tốt trong phiên sáng ngày 21/5 |
Được biết, Dệt May Thành Công (TCM) vừa thông báo kết quả kinh doanh tháng 4 khởi sắc với doanh thu thuần đạt 11,9 triệu USD và lợi nhuận sau thuế đạt gần 0,91 triệu USD, lần lượt tăng 13% và 400% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, công ty vừa hoàn tất thủ tục M&A Công ty TNHH Dệt may SY Vina với giá trị thương vụ 468 tỷ đồng.
Đối với Dệt May TNG, ban lãnh đạo công ty cho biết tăng trưởng đơn hàng đang ở mức tích cực, TNG đang lên kế hoạch mở thêm 45 chuyền may để tăng tổng công suất thêm 15% nhằm đáp ứng nhu cầu đơn hàng.
Đáng chú ý, đơn hàng phục vụ cho Thế vận hội Olympic Mùa Hè năm 2024 của Decathlon đã đóng góp hơn 100.000 sản phẩm vào kế hoạch sản lượng nửa đầu năm nay của Dệt may TNG. Bên cạnh đó, đơn giá trong năm 2024 cũng tăng 5% so với năm 2023. Thậm chí, trong một số trường hợp, TNG đã phải từ chối không nhận một số đơn hàng mới để đảm bảo tiến độ sản xuất cho khách hàng lớn hiện tại.
Ngoài ra, Dệt sợi Damsan (ADS) vừa hoàn tất các thủ tục pháp lý để tiến hành triển khai 3 cụm công nghiệp có diện tích 140ha trên địa bàn tỉnh Thái Bình, dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong giai đoạn 2024 – 2025.
>> ‘Cháy’ đơn hàng, một công ty dệt may báo lãi tháng 4 tăng 400%, cổ phiếu ‘tím lịm’