Chiều 8/1, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm đã thông tin đến báo chí về kế hoạch tăng trưởng năm 2025 của Chính phủ và các triển vọng về phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, cũng như những cơ sở nào để nền kinh tế có thể đạt được mục tiêu 8% trong năm 2025.
Theo đó, tại Nghị quyết số 158/2024/QH15, Quốc hội đã quyết nghị chỉ tiêu tốc độ tăng GDP của năm 2025 là khoảng 6,5 – 7,0% và phấn đấu khoảng 7,0 – 7,5%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới, Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý phải phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% hoặc 2 con số trong điều kiện thuận lợi hơn.
Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là TP Hà Nội, TP.HCM, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm nhận định, cơ sở cho tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các năm tiếp theo dù còn nhiều thách thức nhưng vẫn rất triển vọng. Theo ông, nền kinh tế Việt Nam đang thừa hưởng động lực từ sự phục hồi mạnh mẽ và đà tăng trưởng cao của năm 2024, với mức tăng GDP đạt 7,09%, tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2025.
Để đạt được mục tiêu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định năm 2025 tiếp tục phải thực hiện đổi mới và hoàn thiện công tác thể chế. Đây là một trong những động lực sẽ giúp cho tăng trưởng kinh tế sẽ đạt được nhiều kết quả cao.
“Tiếp đó, thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mặc dù chúng ta phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao nhưng vẫn phải đảm bảo các yếu tố nền tảng của nền kinh tế vĩ mô cũng như kiểm soát lạm phát” Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói.
Cùng với đó, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, kích cầu tiêu dùng và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu. Về đầu tư, ông Tâm cho biết, kế hoạch năm 2025, tổng vốn đầu tư công mà các Bộ, ngành địa phương phải giải ngân là khoảng 295.000 tỷ đồng, cùng với số chuyển tiếp của năm 2024 kéo dài sẽ hơn 300.000 tỷ đồng, kỳ vọng tạo ra động lực thu hút các thành phần kinh tế khác để thúc đẩy động lực tăng trưởng.
Về kích cầu tiêu dùng trong nước, đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Năm 2025, Việt Nam tập trung vào thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, phấn đấu thu hút 120 – 130 triệu lượt khách trong nước và 20 triệu lượt khách quốc tế.
Đồng thời, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, xây dựng Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Tập trung thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động nhanh và bền vững, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cơ sở tiếp theo, huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp Nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân. Triển khai quyết liệt các giải pháp để huy động nguồn lực. Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để khơi thông hiệu quả các nguồn lực từ thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Tập trung phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng; phấn đấu năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia. Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển. Tập trung nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cao tốc theo quy mô quy hoạch. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư các công trình, dự án trọng điểm quốc gia giai đoạn 2026-2030.
Cùng với đó, việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng, khu thương mại tự do tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cao hơn.
“Đây là cuộc chơi mới để thu hút được thêm được các nguồn lực. Nếu chúng ta làm được việc này thành công thì sẽ có thêm nhiều nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nói.