Chi tiết

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tham gia xử lý sở hữu chéo ngân hàng

Bộ Công an được giao phối hợp với Ngân hàng Nhà nước sớm có giải pháp để xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các ngân hàng.

Nội dung trên nêu tại chỉ thị của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 2/5. Theo đó, để đạt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (2021-2025), một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo Chính phủ đưa ra là “phải giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, sân sau”.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước sớm có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng. Việc này nhằm bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính, tiền tệ.

Sở hữu chéo là hiện tượng ngân hàng này nắm giữ cổ phần tại nhà băng khác. Thực tế, nhiều trường hợp một nhóm cổ đông liên kết với nhau để nắm trên 51% cổ phần, từ đó thao túng hoạt động ngân hàng, cao hơn nhiều so với quy định.

Chẳng hạn, vụ việc xảy ra tại Ngân hàng Sài Gòn (SCB), 90% vốn cổ phần của ngân hàng này thuộc sở hữu của nhóm bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Từ đó, ngân hàng này bị chi phối, để xảy ra nhiều tiêu cực, thiệt hại sau này với cả thị trường tài chính và nền kinh tế.

Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) thông qua năm ngoái đưa ra quy định siết tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức tại ngân hàng. Như, tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được giới hạn ở 5%; cổ đông là tổ chức 10% (gồm phần sở hữu gián tiếp), giảm từ mức 15% so với luật cũ. Cổ đông và người có liên quan 15%, thấp hơn 5% so với quy định trước đây.

Tuy vậy, giới phân tích nhìn nhận, sở hữu chéo vẫn nhức nhối tại Việt Nam. Việc này làm gia tăng một số rủi ro, như tăng vốn ảo qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con, cháu). Hoặc một hệ lụy khác là rủi ro thâu tóm, chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan.

Giải trình trước đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng từng cho rằng sở hữu chéo ngân hàng khó có thể xử lý triệt để chỉ bằng một quy định, mà phải nằm ở nhiều luật, chính sách, lĩnh vực khác.

Cũng tại chỉ thị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành ngân hàng theo sát tình hình thế giới, trong nước để dự báo và điều hành chính sách. Cơ quan này được giao có giải pháp công khai lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Phương Dung


Nguồn tin: https://vnexpress.net/thu-tuong-yeu-cau-bo-cong-an-tham-gia-xu-ly-so-huu-cheo-ngan-hang-4741478.html