Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng theo tháng, quý, năm phải cao hơn trước đó.
Tại phiên họp Chính phủ ngày 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 tiếp tục xu hướng tích cực, kết quả tốt hơn tháng 6. Theo ông, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, hầu hết các địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng.
Từ 1/7, lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng một tháng, nhưng Thủ tướng cho rằng “lạm phát tăng không đáng kể”. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,48% so với tháng trước. Bình quân 7 tháng, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát cơ bản (trừ giá các nhóm lương thực, năng lượng) tăng 2,73%.
Thời gian tới, tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, thách thức nhiều hơn. Ông yêu cầu các bộ, ngành có giải pháp để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng mạnh, các cân đối lớn thặng dư cao hơn. “Quan điểm chỉ đạo chung là tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước”, ông nói.
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%. Theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một số tổ chức quốc tế đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024.
Chẳng hạn, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay từ 6% lên 6,5%. IMF đánh giá Việt Nam tăng bình quân 6,4% trong giai đoạn 2024-2029, là nước ASEAN duy nhất thuộc nhóm 10 nước tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Áp lực lạm phát lớn, thường tăng vào cuối năm. Tỷ giá vẫn là thách thức, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao. Điều này yêu cầu chính sách tiền tệ phải dành nhiều nguồn lực hơn để ứng phó, theo ông Dũng.
Trong khi đó, các lĩnh vực mới như kinh tế số, xanh, AI, chíp, bán dẫn chưa chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp với thế giới, khu vực. Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn, nhân lực cho ngành này chậm được ban hành.
Về phía cầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 9,4% so với cùng kỳ. Song, sức mua trong nước tính chung 7 tháng tăng 5,2%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019 (8-9,8%). Gần nhất, năm 2023, chỉ số này tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
“Tốc độ tăng trưởng sức mua chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực”, ông Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Dũng, doanh nghiệp vẫn chịu áp lực cạnh tranh cao ở thị trường thế giới và trong nước khi phải đáp ứng nhanh hơn các tiêu chuẩn mới, giảm phát thải carbon và rủi ro bị kiện phòng vệ thương mại ngày càng lớn. Còn ở phía cung, khu vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao, thời tiết không thuận lợi. Sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào phục hồi kinh tế, sức mua tại các thị trường lớn.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương làm việc có trọng tâm, dứt điểm và phân công “rõ người, trách nhiệm, thời hạn, sản phẩm”. Ông yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý. Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; tăng tiếp cận vốn tín dụng. “Tăng trưởng tín dụng năm nay cần đạt khoảng 15%, tiếp tục giảm lãi suất cho vay”, Thủ tướng nói.
Bộ Công Thương được yêu cầu không để thiếu điện, xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống. Cùng đó, cơ quan quản lý có giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường tiềm năng và điều tra chống bán phá giá với hàng trong nước.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư được giao nghiên cứu cơ chế để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Thủ tướng lưu ý cơ quan này hoàn thiện pháp lý về phát triển kinh tế xanh, nghiên cứu các gói chính sách quy mô đủ lớn, phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực mới, như chip bán dẫn, AI.
Phương Dung
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thu-tuong-yeu-cau-tang-truong-manh-hon-trong-nam-2024-4777785.html