Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1481/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Kế hoạch, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Hoàn thành, tổ chức triển khai Đề án thành lập thành phố trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế, và một số đề án khác.
Trong giai đoạn này, Thừa Thiên Huế sẽ triển khai thực hiện các dự án theo Quy hoạch tỉnh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ các dự án đã và đang thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công nhằm phát huy hiệu quả công trình, dự án mang lại, lấy đầu tư công kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội. Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tạo sức lan tỏa lớn.
Theo Kế hoạch, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP là 9 – 10%/năm trong thời kỳ quy hoạch 2021 – 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 430 – 450 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, vốn FDI giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 7%, tương đương 10.000 – 12.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 12%, tương đương 30.000 – 33.000 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực ngoài ngân sách, FDI và giảm dần tỷ trọng khu vực nhà nước.

Một trong những giải pháp được đưa ra tại Kế hoạch là tỉnh Thừa Thiên Huế đổi mới, đa dạng các hình thức thu hút đầu tư, ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thân thiện với môi trường, các nhà đầu tư có tiềm lực và chiến lược đầu tư dài hạn, tạo sự lan tỏa. Gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, kế hoạch xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành trung ương, các địa phương trong cả nước.
Để thực hiện được các kế hoạch trên, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh; xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, giữa người dân với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế.
Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong công tác thẩm định, cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội và tiến hành đầu tư tại tỉnh; rà soát, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án triển khai chậm, kém hiệu quả.