Chi tiết

Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp dược

Đây là mục tiêu trong Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 24-1-2024 của UBND tỉnh Nam Định.

Phát huy lợi thế

Ông Phạm Văn Đông – Giám đốc Công ty Nam Dược chia sẻ: Là doanh nghiệp dược đầu tiên của miền Bắc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, hiện, Công ty có nhà máy sản xuất diện tích 23 nghìn m2; có hai xưởng sản xuất chính là xưởng chiết xuất dược liệu và xưởng bào chế tổng hợp với trên 670 công nhân.

Thời gian qua, Công ty đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng trang bị dây chuyền thiết bị để sản xuất các dạng sản phẩm: Viên nang cứng, thuốc bột, thuốc cốm; trà hòa tan; cao đặc, cao lỏng; trà túi lọc; thuốc kem, gel, thuốc mỡ… Nam Dược là công ty tiên phong xây dựng vùng trồng dây thìa canh dược liệu sạch đạt được tiêu chuẩn GACP-WHO của Tổ chức Y tế thế giới để phục vụ sản xuất viên uống Diabetna. Dây thìa canh chuẩn hóa của công ty được trồng và chăm sóc tại xã Hải Lộc (Hải Hậu) với diện tích 2ha theo những tiêu chuẩn khắt khe của Tổ chức WHO.

3.jpg
Sản xuất dược phẩm tại Công ty TNHH Nam Dược, KCN Hòa Xá (Ảnh Báo Nam Định)

Đây cũng là một trong những vùng trồng dây thìa canh đầu tiên được Dự án phát triển dược liệu sạch BioTrade của Helvetas Thụy Sĩ (Hiệp hội Thụy Sĩ vì sự hợp tác quốc tế) lựa chọn triển khai tại Việt Nam.

Bà Hoàng Thị Thu Hương, cán bộ Dự án cho biết: So với các vùng khác tại Việt Nam thì sản phẩm của vùng trồng dây thìa canh chuẩn hóa Nam Dược tại Nam Định vẫn đạt hoạt chất cao nhất. Hai hoạt chất tìm thấy trong dây thìa canh chuẩn hóa của Nam Dược có tác dụng ức chế enzym TĐP1B. Đây là loại enzym làm tăng đường huyết ở người bệnh tiểu đường.

Trong thời gian tới, Công ty Nam Dược sẽ tiếp tục mở rộng vùng trồng dược liệu dây thìa canh sạch chuẩn quốc tế GACP. “Cùng với dây thìa canh, công ty đang tập trung đầu tư phát triển vùng trồng quất dược liệu, đậu nành dược liệu tại huyện Vụ Bản đạt tiêu chuẩn GACP-WHO của Tổ chức Y tế thế giới”

Theo báo cáo của Sở Y tế Nam Định, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 nhà máy sản xuất thuốc thành phẩm (trực thuộc 5 doanh nghiệp) đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO), bao gồm 3 nhà máy sản xuất thuốc tân dược và 4 nhà máy sản xuất thuốc có nguồn gốc dược liệu.

Hiện nay các doanh nghiệp dược trong tỉnh Nam Định đã không ngừng đổi mới, từng bước chuyên nghiệp hóa, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển bằng cách hợp tác với các đối tác trong nước và nước ngoài, các viện nghiên cứu, các trường đại học để nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, từng bước trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của tỉnh.

Trong đó, thế mạnh của công nghiệp dược tỉnh Nam Định là có nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, chế biến dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền được Bộ Y tế chứng nhận đủ điều kiện cung ứng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền cho các bệnh viện.

Các doanh nghiệp dược trong tỉnh như: Công ty Cổ phần Dược phẩm PQA, Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà, Công ty TNHH Nam Dược, Công ty Cổ phần Dược phẩm Minh Dân, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trường Thọ, Công ty Cổ phần Dược phẩm Fresh life, Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Sen chi nhánh Nam Định cũng đã có cơ sở, nhà máy sản xuất, chế biến dược phẩm được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), góp phần đưa Nam Định trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước trong lĩnh vực sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng.

2.jpg
Vùng trồng dây thìa canh dược liệu của Công ty TNHH Nam Dược đạt tiêu chuẩn GACP-WHO của Tổ chức Y tế thế giới (Ảnh Báo Nam Định)

Thúc đẩy phát triển

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số khó khăn trong phát triển vùng trồng dược liệu của tỉnh, là Nam Định có địa hình hoàn toàn đồng bằng, số loài cây thuốc tự nhiên ít và không đa dạng. Một số dược liệu tự nhiên trước kia là nguồn khai thác chủ yếu thì hiện nay đang có nguy cơ cạn kiệt (củ gấu biển…).

Trong đó, đa số cây thuốc được trồng nhỏ lẻ, tự phát nên hiệu quả thấp, đầu ra không ổn định dẫn đến các vùng trồng dược liệu thường chỉ phát triển trong thời gian ngắn và có xu hướng giảm dần. Một số loài cây thuốc trồng phù hợp ở địa bàn tỉnh lại là cây lâu năm, thời gian từ trồng đến khi cho thu hoạch dài, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân trong giai đoạn đầu.

1.jpg
Vùng trồng đậu nành theo tiêu chuẩn GACP-WHO của Công ty Nam Dược tại xã Thành Lợi – Vụ Bản (Ảnh Báo Nam Định)

Mới đây, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV với UBND tỉnh Nam Định về thực hiện chính sách, pháp luật về dược, ông Trần Lê Đoài – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã nêu rõ: Để công nghiệp dược tỉnh phát triển nhanh, bền vững, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm, nhất là có chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế, nguồn vốn nhằm giúp các doanh nghiệp, hình thành và phát triển các vùng nuôi trồng dược liệu theo nguyên tắc, tiêu chuẩn đối với các dược liệu trong quy hoạch.

Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu trong nước, tập trung vào các dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường.

UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 24-1-2024 về Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Nam Định. Theo đó, xây dựng quy hoạch tổng thể vùng trồng dược liệu của tỉnh Nam Định tại các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên.

Tỉnh chủ động nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi cho công tác nghiên cứu, sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu phát triển; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống cây dược liệu, tham gia phát triển nuôi trồng dược liệu theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái thuốc”.

Xây dựng quy hoạch tổng thể vùng nuôi trồng dược liệu kết hợp khuyến khích “Trồng cây thuốc tại vườn, tại nhà” và khai thác dược liệu tự nhiên hợp lý, bảo đảm lưu giữ, tái sinh dược liệu. Quy hoạch và phát triển vùng nuôi trồng cây, con làm thuốc, bảo tồn nguồn gen và phát triển dược liệu quý hiếm, đặc hữu trên cơ sở tăng cường đầu tư kỹ thuật, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về dược, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến phát triển dược liệu trong tỉnh.

Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý, có giá trị kinh tế cao, nghiên cứu chọn tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu trong tỉnh. Chú trọng khai thác hạ tầng thúc đẩy thương mại điện tử, dịch vụ bưu chính và logistics trong việc đóng gói, phân loại, bảo quản và vận chuyển các sản phẩm ngành dược.

Để thực hiện mục tiêu phát triển ngành dược, Nam Định cần có chính sách ưu đãi đặc biệt để các cho doanh nghiệp nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc. Cộng với dành quỹ đất cho phát triển các cơ sở nghiên cứu, sản xuất thuốc, phát triển vùng trồng, vùng khai thác, chế biến dược liệu.

Đẩy mạnh nghiên cứu, quan hệ quốc tế nhằm phát triển thuốc biệt dược gốc, thuốc đặc trị. Có định hướng và lộ trình cụ thể để chuẩn hóa các hoạt động đào tạo cơ bản, đào tạo liên tục và đào tạo nâng cao nhân lực dược.

Nguồn