Công trình ngoài khơi ngày càng quan trọng
Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển hợp tác giữa nghiên cứu và ngành công nghiệp trong lĩnh vực công trình ngoài khơi, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Với đường bờ biển dài và điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 6 GW năng lượng gió ngoài khơi vào năm 2030. Mục tiêu này không chỉ thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế biển.
Tuy nhiên, lĩnh vực nghiên cứu này đòi hỏi nhiều nguồn lực, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu và ứng dụng để phát triển công nghệ phù hợp với địa hình, kinh tế, và xã hội. Trong khi đó, Việt Nam hiện thiếu nguồn nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực công trình ngoài khơi, khiến việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp có thể là chìa khóa để xây dựng các chương trình đào tạo thực tiễn.
Trong lĩnh vực này, tại Hà Nội vừa diễn ra Hội thảo quốc tế về những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong Công trình ngoài khơi lần thứ ba (3rd Vietnam Symposium on Advances in Offshore Engineering – VSOE 2024) vào các ngày 12-13/12/2024. Đây là sự kiện khoa học do AVSE Global – Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) đồng tổ chức. VSOE 2024 đã kết nối và thúc đẩy sự đổi mới giữa các chuyên gia, học giả, nghiên cứu sinh, doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, và nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực công trình ngoài khơi.
Với chủ đề “Các giải pháp tích hợp và liên ngành cho cơ sở hạ tầng ngoài khơi bền vững”, VSOE 2024 nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa ngành để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tại đây, những nghiên cứu đột phá sẽ được giới thiệu, từ các giải pháp năng lượng gió ngoài khơi tiên tiến, phân tích nền móng bằng mô hình số hiện đại, đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tối ưu hóa cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, các chủ đề trọng tâm như địa kỹ thuật ngoài khơi, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng dưới biển và bảo vệ môi trường biển sẽ được đào sâu thảo luận, thể hiện tư duy đổi mới và cách tiếp cận liên ngành nhằm giải quyết những thách thức kỹ thuật phức tạp. VSOE 2024 không chỉ góp phần thúc đẩy tiến bộ công nghệ mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và sáng tạo toàn cầu.
Hội thảo nhận được sự bảo trợ của Tiểu ban kỹ thuật TC209 (Địa kỹ thuật Ngoài khơi) và TC308 (Địa kỹ thuật Năng lượng) của Hiệp hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Công trình Quốc tế (ISSMGE) và Hiệp hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Công trình Việt Nam (VSSMGE).
Cần xây dựng nguồn nhân sự chất lượng
Tại sự kiện, có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng nhằm thúc đẩy ngành khoa học kỹ thuật quan trọng này tại Việt Nam.
Giáo sư Ove Tobias Gudmestad từ Đại học Stavanger (Na Uy), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp nghiên cứu và công nghiệp để phát triển cơ sở hạ tầng ngoài khơi tại Việt Nam. Ông cho rằng Việt Nam có thể nghiên cứu chính sách hỗ trợ hợp tác trong công trình biển, như thông qua ưu đãi thuế để thúc đẩy hợp tác giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khẳng định Việt Nam cần học hỏi từ các quốc gia thành công trong việc tích hợp nghiên cứu và công nghiệp, như khuyến khích hợp tác quốc tế và tập trung vào lập kế hoạch dự án bài bản. Đồng thời, cần tránh cạm bẫy của việc áp dụng công nghệ chưa sẵn sàng hoặc không phù hợp với điều kiện thực tế.
Trong phát triển nguồn nhân lực, ông Gudmestad nhấn mạnh các kỹ năng liên ngành, như hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa, cùng kiến thức nền tảng về toán học và vật lý, là rất cần thiết. Việt Nam có thể thiết lập các chương trình thạc sĩ bằng tiếng Anh và trao đổi sinh viên để nâng cao năng lực chuyên môn và kết nối với cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, GS Phil Watson – chuyên gia về kỹ thuật ngoài khơi tại ĐH Tây Úc (Australia) – gợi ý hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp sẽ giúp thu hẹp khoảng cách lý thuyết- thực tiễn mà sinh viên Việt Nam hay mắc phải.
“Ngành công nghiệp mong muốn có những sinh viên sẵn sàng tham gia công việc thực tế ngay sau khi tốt nghiệp. Điều này có thể đạt được bằng cách tăng cường sự tham gia của giới doanh nghiệp vào các chương trình đào tạo: một là nêu bật các kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần và hai là tạo cơ hội để các doanh nghiệp chia sẻ về các dự án thực tiễn cho sinh viên – nhân lực tiềm năng trong tương lai,” ông cho biết.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển lĩnh vực công trình ngoài khơi, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng bền vững. Để hiện thực hóa tiềm năng này, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy hợp tác giữa nghiên cứu và doanh nghiệp, đồng thời tận dụng bài học từ quốc tế có thể cung cấp những giải pháp thiết thực.