Đông Nam Á đã đón nhận các khoản đầu tư lớn từ các công ty bán dẫn, nhà điều hành trung tâm dữ liệu và các công ty công nghệ khác trong những năm gần đây. Nhưng CNA cho biết, các công ty này hiện đang lo lắng về khả năng Mỹ sẽ áp thêm thuế quan trong cuộc chiến thương mại và cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) với Trung Quốc.
Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Malaysia là 4 trong số các quốc gia Đông Nam Á được hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc+1 của các công ty nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ để tránh thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Tháng này, Hoa Kỳ bắt đầu áp thuế đối với hàng nhập khẩu năng lượng mặt trời từ các quốc gia nói trên, nơi có các nhà máy do các công ty Trung Quốc như Jinko Solar và Trina Solar hoạt động.
Theo mức thuế quan mới, thiết bị năng lượng mặt trời của Malaysia xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 9,13%. Thiết bị từ Thái Lan sẽ phải chịu mức thuế 23,06 %, trong khi mức thuế là 2,85% đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam và với Campuchia là 8,25%.
Mặc dù mức thuế này chỉ là tạm thời và thấp hơn dự đoán của một số chuyên gia, nhưng đây là con số mà Bộ Thương mại Mỹ đã tính toán để phản ánh các khoản trợ cấp cho hoạt động sản xuất của họ.
Theo nhiều chuyên gia, mức thuế của Mỹ đã phủ bóng đen lên ngành này tại Malaysia, trong khi Bloomberg đưa tin vào cuối tháng 8 rằng ít nhất ba công ty năng lượng mặt trời Trung Quốc đã thu hẹp hoạt động tại Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.
Trao đổi với CNA, ông Ken Ong, Giám đốc điều hành của công ty năng lượng mặt trời Malaysia Helios Photovoltaic cho biết ông hiểu rằng một số công ty Trung Quốc tại Malaysia đang trì hoãn kế hoạch mở rộng sau mức thuế mới.
Một quan chức địa phương tại Khu công nghệ cao Kulim Malaysia cho biết thêm công ty năng lượng mặt trời Trung Quốc Risen Technology đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm sản lượng bằng cách tạm thời ngừng một dây chuyền sản xuất.
Trong khi đó, Jinko Solar được cho là đã đóng cửa cơ sở tại Penang và cắt giảm nhân công, trong khi người sáng lập Công ty Công nghệ Năng lượng Xanh Longi đã bày tỏ lo ngại về tương lai của ngành này tại Đông Nam Á.
Có lo ngại rằng thuế quan của Mỹ có thể được áp dụng cho ngành công nghiệp bán dẫn của Malaysia và cũng có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu đang phát triển mạnh mẽ của khu vực.
Vào tháng 5, Mỹ cho biết sẽ tăng thuế đối với chất bán dẫn của Trung Quốc từ 25% lên 50% vào năm 2025 như một phần của các biện pháp nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất chất bán dẫn trong nước của Hoa Kỳ.
Malaysia hiện chiếm 13% hoạt động thử nghiệm và đóng gói chip toàn cầu. Ông Wong Siew Hai, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia, lo ngại rằng ngành này có thể sớm bị đình trệ do các biện pháp hạn chế của Mỹ.
Đồng quan điểm, chuyên gia trung tâm dữ liệu Gary Goh chỉ ra rằng các nhà đầu tư tiềm năng, dù là người Trung Quốc hay phương Tây, sẽ phải theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử của Mỹ và giám sát bất kỳ lệnh trừng phạt nào sau đó liên quan đến điện toán và AI.
“Nếu có dấu hiệu cho thấy việc xuất khẩu chip tiên tiến sang các nước thứ ba như Malaysia cũng bị hạn chế, các công ty trung tâm dữ liệu sẽ phải thận trọng hơn trong việc mở rộng hoạt động. Điều này sẽ làm chậm quá trình phát triển của Malaysia và Đông Nam Á trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến”, ông Goh cho biết.
Nhiều chuyên gia tin tưởng rằng, Mỹ sẽ tiếp tục hành động để đối phó với các hoạt động thương mại của Trung Quốc, bất kể ai trở thành Tổng thống tiếp theo của nước này. Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Trump, các biện pháp có khả năng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Ông Chim Lee, nhà phân tích cấp cao của Economist Intelligence Unit, cho biết Mỹ sẽ tăng cường giám sát thương mại với các nước Đông Nam Á bất kể kết quả bầu cử như thế nào. “Nói cách khác, khi chuỗi cung ứng trở thành Trung Quốc+1, thuế quan cũng đang trở thành Trung Quốc+1”, ông cảnh báo.
Dưới thời ông Trump, Mỹ có thể sẽ gia tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Đông Nam Á một cách mạnh mẽ và đột ngột hơn. Nhiều khả năng Mỹ sẽ áp dụng một cách tiếp cận mang tính giao dịch nhiều hơn với các chính phủ trong khu vực như có thể yêu cầu các chính phủ Đông Nam Á phải liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ về các vấn đề an ninh và địa chính trị quan trọng để đổi lấy việc miễn trừ thuế quan.
Trong một báo cáo được công bố, ngân hàng OCBC cho biết dưới nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump, sáu quốc gia Đông Nam Á bao gồm Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines có thể bị ảnh hưởng nếu ông thực hiện lời hứa trong cuộc bầu cử về việc tăng thuế quan.
Theo Steven Okun, Cố vấn cấp cao của công ty tư vấn APAC Advisors: “Dưới thời chính quyền bà Kamala Harris hoặc ông Donald Trump, Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng các nỗ lực bảo vệ an ninh quốc gia khi nói đến Trung Quốc dưới hình thức trực tiếp hoặc thông qua các nước thứ ba”.
Chuyên gia này cũng lưu ý, đối với một quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ như Malaysia hay Việt Nam, điều này sẽ thúc đẩy cách tiếp cận của Mỹ mạnh mẽ hơn nhiều dưới thời ông Trump so với bà Harris.
Đặc biệt với Việt Nam, chuyên gia thương mại Deborah Elms giải thích rằng quốc gia này rất thành công trong việc khiến các công ty xem xét việc đặt một số hoặc toàn bộ quy trình sản xuất của họ tại quốc gia này vì mối liên hệ tốt với các thị trường chính thông qua các hiệp định thương mại tự do. Đây cũng là động lực quan trọng thúc đẩy đầu tư mới vào trong nước.
Mặc dù vậy, một số khoản đầu tư này đến từ các công ty Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa rủi ro, giảm chi phí sản xuất hoặc tránh mức thuế quan cao áp dụng cho hàng hóa được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc.
“Nhìn chung, điều này không phải là vấn đề. Nhưng Việt Nam phải yêu cầu các công ty thực hiện nghiêm ngặt các quy tắc của các Hiệp định thương mại để họ tuân thủ đúng các bước về yêu cầu xuất xứ hàng hóa”, chuyên gia này khuyến cáo.
Tuy nhiên, bà Elms cảnh báo, nếu ông Trump tái đắc cử, Việt Nam đặc biệt có thể phải đối mặt với một vấn đề nan giải hơn, vì ông Trump bị ám ảnh bởi thâm hụt thương mại song phương. “Việt Nam đang xuất khẩu nhiều sản phẩm hơn đến Hoa Kỳ so với chiều ngược lại và ông ấy có thể muốn dừng điều này lại”, bà nói thêm.