Chi tiết

“Thương hiệu tuổi thơ” Bông Bạch Tuyết có tìm lại được ánh hào quang sau chuỗi ngày giông bão?

“Thương hiệu tuổi thơ” Bông Bạch Tuyết có tìm lại được ánh hào quang sau chuỗi ngày giông bão?

Từng niêm yết trên HOSE năm 2004 nhưng sau đó bị hủy, cổ phiếu Bông Bạch Tuyết một lần nữa trở lại UPCoM vào năm 2018, trước khi trôi dạt về tay Đầu tư Phát triển Sài Gòn 3 Group (UPCoM: SGI) từ năm 2020.

Đổi chủ

CTCP Bông Bạch Tuyết (UPCoM: BBT) tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết, thành lập từ năm 1960. Đến năm 1997, Công ty chuyển sang mô hình cổ phần, vốn Nhà nước 30%. Năm 2004, BBT tăng vốn lên hơn 68 tỷ đồng và niêm yết hơn 6.8 triệu cp lên HOSE.

Tuy nhiên, do sản xuất, kinh doanh khó khăn dẫn đến thua lỗ khiến Doanh nghiệp phải ngừng khâu sản xuất từ năm 2007 đến tháng 8/2009; đồng thời buộc phải hủy niêm yết từ đây, do không còn đáp ứng điều kiện kinh doanh có lãi theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Sau 10 năm, đến năm 2018, hơn 6.8 triệu cổ phiếu BBT quay trở lại UPCoM với giá khởi điểm chỉ 2,300 đồng/cp. Lúc này, Dệt may Gia Định (Giditex) nắm 30%.

BBT từng chiếm đến 95% thị phần mảng sản xuất, kinh doanh bông y tế và các sản phẩm từ bông. Tuy nhiên, việc ngừng sản xuất trong gần 2 năm đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khác vươn lên giành thị phần. Tới trước khi lên lại UPCoM, thị phần BBT trong ngành dao động từ 20-30%.

Sau đợt tăng vốn năm 2020 lên 98 tỷ đồng, thông qua các công ty con Đầu tư Sài Gòn 3 Capital (nắm 40%) và TCI (9.5%), tỷ lệ lợi ích của SGI tại BBT tăng từ 16.07% lên 47.31%, tỷ lệ quyền biểu quyết từ 20.28% lên 50.24%.

2019 cũng là thời điểm chuyển giao nhân sự, khởi đầu cho chu kỳ chủ mới tại BBT. Ông Nguyễn Khánh Linh làm Chủ tịch HĐQT thay ông Đoàn Văn Sơn. Ghế Tổng Giám đốc cũng lần lượt thay từ bà Võ Thị Bích Thúy, ông Phạm Xuân Đồng và đến ông Nguyễn Khánh Linh trong năm 2021.


Bà Lan Anh làm Tổng Giám đốc Đầu tư Sài Gòn 3 Capital từ tháng 4/2023; Giám đốc Tài chính Chứng khoán Thành Công (công ty con do Đầu tư Sài Gòn 3 Capital sở hữu 57.76%, HOSE: TCI) từ tháng 5/2023; Trưởng BKS SGI từ năm 2019 và của May Sài Gòn 3 (công ty con SGI) từ năm 2018; Giám đốc Tài chính kiêm Phó Tổng giám đốc Sài Gòn 3 Jean (công ty con SGI) từ năm 2019.

Ông Nguyễn Khánh Linh hiện là Chủ tịch HĐQT SGI; Chủ tịch HĐQT Xuất nhập khẩu Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (Yteco, UPCoM: YTC) từ năm 2020; Chủ tịch HĐTV Quản lý quỹ Thành Công từ năm 2022; Chủ tịch HĐQT loạt công ty khác như TCI, May da Sài Gòn…

Bà Thúy có thể xem là người “gốc” BBT còn sót lại khi làm việc cho thương hiệu này từ năm 1992, kinh qua một loạt vị trí như nhân viên kế toán, chuyên viên xuất nhập khẩu, trưởng phòng bán hàng, trợ lý Tổng Giám đốc… trước khi làm Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BBT từ năm 2012.

Ông Đoàn Văn Sơn quay lại chức vụ Chủ tịch HĐQT thêm một lần nữa trước khi từ nhiệm vào tháng 8/2022 để bà Phạm Viết Lan Anh thay thế. Ông Sơn cũng là người cuối cùng trong đội hình cũ của BBT rời khỏi doanh nghiệp này khi từ chức Thành viên HĐQT vào tháng 4/2023.

Chỗ bị khuyết do ông Sơn để lại được trao cho bà Ngô Thị Thu Trang. Cùng thời điểm này là vụ thoái toàn bộ hơn 3.4 triệu cp BBT của Giditex theo phương thức khớp lệnh trên sàn.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, bà Phạm Viết Lan Anh tiếp tục được bầu ngồi ghế Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029. Ông Nguyễn Khánh Linh vẫn giữ chức Phó Chủ tịch và bà Ngô Thị Thu Trang làm Thành viên HĐQT. Những cá nhân này đều do Đầu tư Sài Gòn 3 Capital (SGI nắm 100% vốn) đề cử.


Phạm Viết Lan Anh và ông Nguyễn Khánh Linh

BBT hưởng lợi gì từ hệ sinh thái SGI?

Về với hệ sinh thái SGI từ năm 2020, BBT chính thức đổi nhận diện thương hiệu mới; cũng là thời điểm vốn điều lệ tăng lên 98 tỷ đồng sau 16 năm giữ nguyên. Công ty thu gần 55 tỷ đồng (bán 2.96 triệu cp với giá 18,500 đồng/cp) trong đợt chào bán riêng lẻ cho bên mua là Đầu tư Sài Gòn 3 Capital.

Tiền thu về, Doanh nghiệp chi gần 36 tỷ đồng mua nguyên vật liệu; 12 tỷ đồng trả nợ nhà cung cấp; 2 tỷ đồng chi vào marketing, xây dựng định vị thương hiệu và 4 tỷ đồng để bổ sung dòng tiền kinh doanh.

Ngoài các khoản cho BBT vay bổ sung vốn lưu động, năm 2021, SGI và Đầu tư Sài Gòn 3 Capital trở thành đơn vị bảo lãnh cho khoản vay 5 triệu USD từ phía Financing for Healthier Lives, DAC. Số tiền vay trong 5 năm, chịu lãi suất thả nổi cộng biên độ 5.8%. BBT đã phải thế chấp máy móc, thiết bị mua từ tiền vay này.

Lợi thế còn có thể đến từ vai trò của ông Nguyễn Khánh Linh, người đang làm Chủ tịch HĐQT YTC – một doanh nghiệp hoạt động trong mảng xuất nhập khẩu dược phẩm, nguyên liệu dược, trang thiết bị y tế…

YTC có kinh nghiệm đấu thầu các dự án ETC cung cấp hàng vào các bệnh viện; ngoài ra còn đang trên đà mở rộng đến thị trường bán lẻ quy mô lớn như Long Châu, Pharmacity, An Khang…


BBT thay đổi nhận diện thương hiệu từ năm 2020 – Nguồn: BBT

SGI thành lập vào tháng 8/2018 với vốn điều lệ 1 tỷ đồng, hoạt động trong mảng hỗ trợ dịch vụ tài chính. Khoảng 3 tháng sau, SGI quyết định chào bán riêng lẻ thêm gần 70 triệu cp nhằm hoán đổi cho 95 cổ đông May Sài Gòn 3, theo tỷ lệ 1:1 (1cp May Sài Gòn 3 đổi 1cp SGI).

SGI sau đó trở thành công ty mẹ của May Sài Gòn 3, đồng thời cũng là công ty mẹ của loạt công ty khác như Thương mại Bất động sản Sài Gòn 3 (SG3 Land), Thương mại Dịch vụ Tư vấn Đầu tư Sài Gòn 3 (đổi thành Đầu tư Sài Gòn 3 Capital từ năm 2020), May Da Sài Gòn, Sài Gòn 3 Jean (SG3 Jean), Chứng khoán Thành Thành Công.

Từ năm 2021 đến nay, cổ đông lớn của SGI gồm: ông Nguyễn Quốc Việt (20.23%), ông Phạm Xuân Hồng (5.27%), CTCP Đầu tư Hưng Phúc (18.48%) và bà Nguyễn Ngọc Điệp giữ 3.65%.


Hệ sinh thái SGI liệu có thể giúp “thương hiệu tuổi thơ” Bông Bạch Tuyết trở về thời hoàng kim?

“Sống” nhờ hoạt động tài chính, thoát lỗ lũy kế sau hơn chục năm?

Cho đến hiện tại, nguồn thu chính của Bông Bạch Tuyết vẫn có sự đóng góp lớn từ các sản phẩm y tế sản xuất từ bông – thế mạnh trong hàng chục năm tồn tại trên thị trường của nhãn hiệu quen thuộc này.

Về với SGI cách đây 4 năm, doanh thu BBT tiếp tục xu hướng đi lên (ngoại trừ mức sụt giảm nhẹ năm 2021) nhưng lợi nhuận lại đi lùi. Năm 2022, lợi nhuận chỉ còn 1 tỷ đồng và chỉ mới phục hồi lại năm 2023.

Như năm ngoái, doanh thu BBT gần 153 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ. Giá vốn thấp giúp cải thiện biên lãi gộp, lên 33%; nhưng không phải quá cao nếu so với thời hoàng kim. Chẳng hạn, con số năm 2020 và giai đoạn 2013-2016 đạt ít nhất 40%; hay giai đoạn 2017-2019 trên 35%.

Nói BBT “sống” nhờ hoạt động tài chính cũng không quá bởi số tiền chi cho bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã vượt lãi gộp. Đặc biệt, chi phí bán hàng không ngừng tăng trong 3 năm qua – từ 17 tỷ đồng lên 27 tỷ đồng.

Khoản thu từ hoạt động tài chính trong 2 năm gần nhất tăng vọt, lần lượt mang về 15 tỷ đồng và 17 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi cho vay, phần nào giúp BBT giữ mạch có lợi nhuận.



Diễn biến hoạt động tài chính và chi phí bán hàng của BBT giai đoạn 2004 – 2023

Năm 2023, BBT lãi ròng 7 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ, nhưng phải trích 5.1 tỷ đồng tiền truy thu và phạt thuế sau kiểm tra thuế thời kỳ năm 2015-2017. Công ty dành gần 1.5 tỷ đồng để bù đắp lỗ lũy kế, qua đó chính thức xóa lỗ lũy kế sau hơn chục năm.

BBT từng đạt kỷ lục lợi nhuận 26 tỷ đồng vào năm 2020. Cũng là năm gần như không có thu, chi từ hoạt động tài chính.



Diễn biến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của BBT giai đoạn 2004 – 2023

4 năm qua, “thương hiệu tuổi thơ” mạnh tay đầu tư mua sắm, xây dựng tài sản cố định, gấp hàng chục lần giai đoạn trước. Các năm 2020-2023 lần lượt chi 23 tỷ đồng, 19 tỷ đồng, 20 tỷ đồng và 14 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của BBT đạt gần 295 tỷ đồng; gần nửa số này nằm ở phải thu về cho vay ngắn hạn 123 tỷ đồng. Riêng bên liên quan là May Da Sài Gòn (công ty con SGI) vay 90 tỷ đồng trong 12 tháng với lãi suất 13%/năm để bổ sung vốn kinh doanh nhưng không có tài sản bảo đảm.

BBT cũng bắt đầu gia tăng sử dụng đòn bẩy tài chính sau khi về với SGI. Năm 2021, BBT vay nợ hơn 144 tỷ đồng, trong khi từ năm 2020 trở về trước số vay rất thấp hoặc gần như không phát sinh. Dư nợ này duy trì các năm sau đó, trước khi hạ về mức 115 tỷ đồng cuối năm 2023.

BBT vẫn đang hạch toán 9 tỷ đồng nhận từ Địa ốc Tân Phú – công ty liên doanh giữa BBT (góp 26%) và Đầu tư PDG. Địa ốc Tân Phú là chủ đầu tư dự án khu nhà ở số 1 Nguyễn Văn Săng đã tạm ngưng từ năm 2017, dù trước đó được UBND TPHCM phê duyệt.


Lô đất dự án khu nhà ở số 1 Nguyễn Văn Săng trở thành bãi đậu xe nhiều năm nay – Ảnh: Tử Kính

Kế hoạch lãi đi ngang

Năm 2024, CTCP Bông Bạch Tuyết hướng đến mốc doanh thu cao nhất kể từ khi hoạt động: 200 tỷ đồng, tăng 16% so với năm ngoái. Tuy nhiên, số này chưa tính giảm trừ, khoảng hơn 10% doanh thu trong những năm gần đây. Lãi trước thuế chỉ kỳ vọng đi ngang, 8.5 tỷ đồng.

BBT dự định gửi tiết kiệm và cho vay 80 tỷ đồng, giảm so với 130 tỷ đồng năm 2023; qua đó thu lãi 10.5 tỷ đồng, đồng thời dự chi 11.5 tỷ đồng trả lãi vay.


Diễn biến doanh thu và lãi trước thuế của BBT giai đoạn 2018-2024 (Đvt: tỷ đồng)


Nguồn: Người viết tổng hợp

Sản phẩm chiến lược sắp tới của thương hiệu Bông Bạch Tuyết vẫn sẽ là bông tẩy trang và khăn khô làm sạch da. Ngoài ra, Công ty còn nghiên cứu sản phẩm chăm sóc da cao cấp.

BBT có kế hoạch phát triển bông tẩy trang ẩm ướt và bông tẩm dưỡng chất; thương mại tăm bông em bé đầu muỗng, đầu xoắn, đầu tròn; phát triển các mặt hàng thầu bệnh viện.

Doanh nghiệp cũng cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng kênh MT/Omni và B2B; phát triển kênh thương mại điện tử, xây dựng hệ thống kênh truyền thống theo mô hình mới phù hợp; tổ chức lại hệ thống phân phối để giảm số lượng trung gian, tập trung tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ngoài các nội dung điển hình về hoạt động kinh doanh, lãnh đạo BBT báo cáo cổ đông thông qua việc xử lý các vấn đề tồn đọng từ hơn chục năm trước, gồm: xử lý khoản thu hồi trích thưởng vượt lợi nhuận năm 2016 và xử lý số dư công nợ phải trả không xác định đối tượng năm 2009.

Có thể thấy, ngoại trừ mức lãi kỷ lục đạt được khi chính thức về với chủ mới năm 2020, lợi nhuận của BBT từ năm 2021 đến nay thiếu ổn định và đạt giá trị không cao. Việc hồi sinh “thương hiệu tuổi thơ” Bông Bạch Tuyết để chiếm lĩnh thị phần trở lại chắc chắn còn nhiều chông gai. Trên sàn, giá cổ phiếu BBT hiện giao dịch quanh 8,000 đồng/cp – vùng đáy trong nhiều năm trở lại đây.



Diễn biến giá cổ phiếu BBT từ năm 2018 đến nay

Tử Kính

FILI



Source link