Thương mại hóa 5G ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập cần giải quyết.
Bùng nổ công nghệ 5G
Theo dự báo của các tập đoàn công nghệ hàng đầu, số lượng thuê bao 5G trên toàn cầu sẽ bùng nổ, đạt gần 5,6 tỷ vào cuối năm 2029. Độ phủ sóng 5G cũng sẽ tăng mạnh từ 40% năm 2023 lên 80% vào cuối thập kỷ. Hiện tại, trên trên toàn thế giới, khoảng 300 nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSP) đã triển khai dịch vụ 5G, trong đó khoảng 50 CSP đã triển khai công nghệ 5G độc lập (5G SA).
Theo dự đoán của Viện Chiến lược thông tin, đến năm 2025, 5G sẽ đóng góp sự tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 7,34%. Khi mạng 5G trở nên phổ biến rộng rãi, nó không chỉ tạo ra những ngành công nghiệp mới mà còn nâng cao năng suất cho các ngành công nghiệp hiện có, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Năm 2024 đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ tại Việt Nam khi cả nước chính thức ngừng phát sóng 2G, mở ra cơ hội vàng cho sự bùng nổ của công nghệ 4G và 5G. Trong làn sóng đổi mới này, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch và Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), đã cam kết đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông và hạ tầng số, đồng thời triển khai sóng 5G trên toàn quốc trong năm nay.
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cũng xác định năm 2024 là cột mốc quan trọng trong việc thương mại hóa công nghệ 5G trên toàn quốc. Để đạt được mục tiêu này, Bộ đã cấp phép thử nghiệm cho các doanh nghiệp và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ từ năm 2019 nhằm thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng mạng 5G. Cùng với đó, Bộ TT-TT đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy việc triển khai mạng 5G nhanh chóng và hiệu quả để tiến tới thương mại hóa 5G trên toàn quốc.
Ảnh minh họa – Nguồn: Internet |
Những thách thức trong quá trình thương mại hóa
Mặc dù Việt Nam đã tiên phong trong việc thí nghiệm và ứng dụng 5G, việc thương mại hóa 5G vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng.
Vào ngày 11 tháng 4 năm 2024, hai nhà mạng hàng đầu của Việt Nam, Viettel và VNPT, đã chính thức nhận giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông cùng giấy phép sử dụng băng tần 5G. Đây là một bước tiến quan trọng, nhưng chỉ nhận được giấy phép chưa đủ để biến 5G thành hiện thực trên thị trường. Vấn đề then chốt hiện nay là cần tập trung vào việc đầu tư hạ tầng mạng viễn thông 5G.
Triển khai mạng 5G không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Viettel, nhà mạng đã tiên phong và thành công trong việc triển khai mạng 5G độc lập đầu tiên tại Việt Nam cho biết, đơn vị này gặp phải những thách thức lớn trong việc mở rộng và hoàn thiện hạ tầng 5G.
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay trong việc triển khai mạng 5G chính là việc xây dựng và nâng cấp hạ tầng vật lý mạng 5G. Hạ tầng điện và cột anten, vốn đã đạt đến giới hạn của chúng, cần phải được cải thiện để đáp ứng yêu cầu khắt khe của công nghệ 5G. Sự xuất hiện của 5G không chỉ đẩy mạnh tải trọng lên các cột anten mà còn làm gia tăng đáng kể công suất tiêu thụ của trạm. Viettel đã trải qua quá trình dài, đầy thử thách để cải tạo cột anten và nguồn điện để sẵn sàng cho kỷ nguyên 5G.
Cùng với đó, việc thiếu kiến thức về các ngành công nghiệp cũng trở thành một thách thức lớn của các nhà mạng khi triển khai 5G cho các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm chiến lược mạng lưới và đổi mới công nghệ, tập đoàn Viettel đưa ví dụ: “Khi chuyển đổi số nhà máy thép bằng 5G, chúng tôi thiếu tri thức làm sao để đánh giá thép thành phẩm đạt yêu cầu. Đó là thách thức lớn nhất khi thúc đẩy ứng dụng 5G trong các ngành công nghiệp để chuyển đổi số”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban chuyển đổi số Tổng Công ty Viễn thông MobiFone chia sẻ: “Để tìm kiếm một chuyên gia về cảng thông minh tại Việt Nam chắc không có. Chúng tôi phải mời chuyên gia nước ngoài từ Singapore, Đức. MobiFone cần rất nhiều chuyên gia đầu ngành về AI, tư vấn, chuyển đổi số cho các ngành công nghiệp khác nhau ở Việt Nam”.
Theo ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia, để triển khai mạng 5G thành công, cần tập trung vào ba yếu tố then chốt: hạ tầng mạng lưới, thiết bị và hệ sinh thái các dịch vụ, ứng dụng. Tuy nhiên, việc thương mại hóa 5G không chỉ đơn thuần là mở rộng độ phổ cập của các thiết bị đầu cuối như điện thoại 5G hay các thiết bị IoT.
Ông Nam nhấn mạnh rằng, để 5G thực sự cất cánh và mang lại lợi ích tối đa, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái toàn diện gồm các dịch vụ và ứng dụng đi kèm. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp sáng tạo để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các công ty công nghệ có thể kết hợp, làm việc chặt chẽ với các nhà mạng.
Việc khuyến khích sự hợp tác này sẽ giúp phát triển những ứng dụng và dịch vụ mới, khai thác hiệu quả tiềm năng của công nghệ 5G. Chỉ khi các yếu tố này được tích hợp một cách đồng bộ và sáng tạo, thì việc thương mại hóa 5G tại Việt Nam mới có thể thành công, đồng thời người dân sẽ có cơ hội tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất, mang lại sự thay đổi tích cực cho cuộc sống hàng ngày.