Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện nay đã và đang tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó chính sách tiền tệ tín dụng tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các nhóm ngành lĩnh vực phát triển, đặc biệt là những nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của đất nước.
Những kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và lĩnh vực xuất khẩu nói riêng trong 10 tháng đầu năm đã và đang phản ánh hiệu quả chính sách.
Ở góc độ ổn định kinh tế vĩ mô và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu nói riêng tăng trưởng và phát triển, ông Lệnh cho rằng việc NHNN sử dụng các công cụ tỷ giá, lãi suất hiệu quả và điều hành tỷ giá linh hoạt, không chỉ đảm bảo giữ ổn định đồng tiền quốc gia, kìm giữ lạm phát mà còn ổn định thị trường ngoại hối trong suốt thời gian qua.
“Kết quả này, có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu, thúc đẩy khu vực doanh nghiệp này tăng trưởng và phát triển. Đồng thời tiếp tục củng cố và tạo lập niềm tin chính sách, niềm tin của doanh nghiệp đối với chính sách tiền tệ và điều hành chính sách tỷ giá, lãi suất của NHNN trong suốt thời gian qua, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, qua đó tiếp tục thu hút nhà đầu tư nước ngoài, cũng như mở rộng và tăng trưởng thị trường xuất khẩu”, ông nhấn mạnh.
Cùng với đó, chính sách tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện về vốn, lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu là lĩnh vực thuộc chương trình tín dụng cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực, bao gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp & nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Với lãi suất cho vay hiện nay không quá 4%/năm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng và tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy hoạt động này tăng trưởng. Riêng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông cho biết tổng dư nợ tín dụng cho vay bằng VND đối với doanh nghiệp xuất khẩu đạt 105.305 tỷ đồng, chiếm 6,21% tổng dư nợ cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực trên địa bàn.
Ở góc độ doanh nghiệp, trên thực tế nhiều doanh nghiệp cho biết việc tiếp cận vốn vay có lãi suất thấp không dễ dàng. Chia sẻ tại hội thảo do ITPC và NHNN chi nhánh TP HCM tổ chức mới đây, ông Đặng Văn Khanh, Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ Hải Hưng, đặt câu hỏi làm cách nào để tiếp cận vốn lãi suất 4%? Ông cho biết doanh nghiệp hiện đang vay lãi suất 9% và đang có nhu cầu vay vốn đầu tư mở rộng dự án sản xuất thiết bị vệ sinh chất lượng cao theo dạng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Dự án ban đầu đáp ứng nhu cầu trong nước và sau đó, nếu hoạt động khả quan sẽ xuất khẩu sang một số quốc gia như Ả Rập Saudi, Nga.
Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết quy định về chính sách cho vay ưu đãi lãi suất 4%/năm đối với doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm doanh nghiệp xuất khẩu, đã được luật hóa. Trường hợp khách hàng đã đáp ứng 100% điều kiện để được vay với lãi suất ưu đãi 4%/năm bằng VND mà ngân hàng thương mại cố tình từ chối, doanh nghiệp có thể chủ động phản ánh với NHNN Chi nhánh TP HCM để được tháo gỡ. Có điều, ngoài các điều kiện về tín dụng chung, các doanh nghiệp trong 5 nhóm ngành ưu tiên được vay ngắn hạn lãi suất thấp phải bảo đảm yêu cầu lành mạnh về tài chính. Quy định này không phải gây khó dễ, mà nhằm đưa dòng vốn đến đúng đối tượng, quản lý việc sử dụng vốn đúng mục đích, ông lưu ý.
Từ góc độ TCTD, đại diện NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh TP HCM cho biết, với thế mạnh là ngân hàng hàng đầu phục vụ cho xuất khẩu, thời gian qua để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, Vietcombank đã miễn, giảm nhiều loại phí dịch vụ như: phí nhờ thu và chuyển tiền quốc tế, thanh toán tín dụng thư (L/C); triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay ngoại tệ ngắn hạn và cho vay bằng VND với lãi suất cạnh tranh, thấp hơn thị trường từ 10%-15% và thời gian giải ngân nhanh chóng… Đến nay, ngân hàng đã tài trợ vốn vay cho rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu.
Theo đại diện Vietcombank. “Các giải pháp của NH nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu đã tiết giảm chi phí, thủ tục vay vốn, tối đa hóa chi phí hoạt động. Nhiều chương trình cho vay ưu đãi đặc biệt dành riêng cho doanh nghiệp xuất khẩu; chương trình cho vay tài trợ vốn lưu động với lãi suất cạnh tranh và thời gian giải ngân nhanh chóng”.
Cho vay xuất khẩu mùa cuối năm và thậm chí để chuẩn bị đón đơn hàng cho năm sau cũng đã và đang được hàng loạt NHTM đẩy mạnh. Tuy nhiên, lãi suất đang được các NHTM niêm yết cao hơn mức 4%/năm và ở mức trên 5-6%. Dù vậy, vẫn được thị trường đánh giá về tính ưu đãi cao khi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở nhiều nhà băng đã đẩy vượt trên mức này.
Chẳng hạn Eximbank dành 10.000 tỷ đồng cho chương trình “Tài trợ vốn với lãi suất ưu đãi dành cho các Doanh nghiệp Xuất Nhập Khẩu” nhằm đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn kinh doanh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thuộc các lĩnh vực: giày da, dệt may, cao su, cà phê, tiêu, gạo, nông sản, thuỷ hải sản…; hay OCB từ tháng 7/2024 đến hết năm nay, triển khai cho vay khách hàng là doanh nghiệp SME mới và hiện hữu của OCB, hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu khi phát sinh giải ngân mới (VND), hưởng lãi suất vay cố định chỉ từ 5,5%/năm với các khoản vay có kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và từ 6%/năm với khoản vay có kỳ hạn trên 3 tháng đến 6 tháng… là những ví dụ.
Vấn đề chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu để phục vụ sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm cũng được ông Nguyễn Đức Lệnh khẳng định. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nêu kiến nghị mong NHNN ổn định tỷ giá để doanh nghiệp yên tâm và chủ động hơn trong kinh doanh, trong bối cảnh tỷ giá vẫn còn biến động.
Hiện tại, theo ông Nguyễn Đức Lệnh, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu có nhiều lựa chọn cho nhu cầu vốn; nhu cầu ngoại tệ để thanh toán (mua ngoại tệ hoặc vay ngoại tệ) nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, nhu cầu thanh toán.
Ngoài ra, ông cũng cho biết, nhìn vào thực tế, lạm phát đã được kiềm giữ, tỷ giá cũng được kiểm soát theo định hướng của NHNN. Kết quả này, tiếp tục tạo niềm tin cho các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam (FDI) tốt và giúp hoạt động xuất nhập khẩu vẫn đang tốt.
Có một vấn đề là với tỷ giá, rõ ràng doanh nghiệp nhập khẩu muốn tỷ giá ổn định, còn doanh nghiệp xuất khẩu muốn tỷ giá cao. Tuy nhiên, điều hành lợi ích chung của nền kinh tế là ổn định giá trị tiền đồng VND. Khi chi phí đầu vào tăng sẽ làm tăng giá cả, áp lực lên lạm phát.
NHNN luôn kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có điều hành tỷ giá và ngoại hối. Nhiều năm qua, tỷ giá Việt Nam luôn ổn định, hỗ trợ cho doanh nghiệp và môi trường đầu tư.
“Môi trường đầu tư sẽ rất thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu”.
“Quan hệ giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các TCTD là quan hệ truyền thống, sản phẩm đa dạng và chuyên nghiệp mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp để mở rộng và tăng trưởng cũng như thuận lợi trong quá trình phát triển thị trường quốc tế”, ông khẳng định.
Trên địa bàn Thành phố, theo Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, tổng dư nợ tín dụng ngoại tệ quy đổi VND đạt 130,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các TCTD vẫn đang nỗ lực đáp ứng tốt nhất nhu cầu về dịch vụ cho doanh nghiệp trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền và các dịch vụ khác có liên quan rất tiện ích, tiện lợi, an toàn và hiệu quả.
Source link