Chi tiết

Tiến tới xây dựng đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường tài chính

Chiều ngày 5/12/2024, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm hoạt động và phát triển thị trường Trái phiếu Chính phủ nhằm đánh giá kết quả đạt được trong 15 năm hoạt động thị trường và định hướng phát triển tới năm 2030.

Theo Bộ Tài chính, từ 2009 đến nay, công tác huy động vốn Trái phiếu Chính phủ đã góp phần tái cơ cấu hình thức vay của Chính phủ, trong điều kiện thị trường thuận lợi, Kho bạc Nhà nước đã tập trung phát hành Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên, qua đó kéo dài kỳ hạn còn lại của danh mục nợ Trái phiếu Chính phủ lên 9,05 năm thời điểm tháng 11/2024. Đồng thời, lãi suất phát hành liên tục giảm (từ mức 6-8% trước năm 2014 xuống 2-4% hiện nay).

Trên thị trường thứ cấp, bên cạnh 2 sản phẩm cơ bản là Outright và Repos, đã triển khai sản phẩm bán kết hợp mua lại, giao dịch vay và cho vay; từ ngày 04/7/2019 sản phẩm hợp đồng tương lai Tráiphiếu Chỉnh phủ kỳ hạn 5 năm được chính thức đưa vào giao dịch.

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ nắm giữ Trái phiếu Chính phủ có xu hướng ngày càng tăng. Tại thời điểm cuối quý 3/2024, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của các tổ chức tài chính phi ngân hàng dài hạn là 60,5% (tăng khoảng 40% so với năm 2009). Hệ thống các nhà tạo lập thị trường đóng vai trò quan trọng thúc đẩy thanh khoản trên thị trường sơ cấp và thứ cấp Trái phiếu Chính phủ.

Tại Chiến lược tài chính và chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Chính phủđặt mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 58% GDP. Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 cũng như triển khai các công trình trọng điểm quốc gia, nhu cầu huy động vốn trong giai đoạn tới là rất lớn. Với chủ trương phát huy nội lực để phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới, đặt ra yêu cầu phải phát triển thị trường Trái phiếu Chính phủ cả về quy mô, tính thanh khoản và chủ động hội nhập với thị trường quốc tế. Theo đó, Bộ Tài chính đưa ra 5 nhóm giải pháp tiếp tục tập trung thực hiện.

Thứ nhất, phát triển thị trường Trái phiếu Chính phủ làm nòng cốt để phát triển thị trường trái phiếu, đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2025-2030.

Thứ hai, đối với thị trường sơ cấp Trái phiếu Chỉnh phủ, phát hành đều đặn các sản phẩm trái phiếu gắn với tái cơ cấu danh mục nợ Trái phiếu Chính phủ theo hướng bền vững, đảm bảo có đầy đủ kỳ hạn trái phiếu từ 3 – 30 năm. Đối với thị trường thứ cấp Trái phiếu Chính phủ, tiếp tục cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch; cải tiến chế độ thông tin, báo cáo giao dịch, tiến tới xây dựng một đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường tài chính.

Thứ ba, nâng cao vai trò của nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ trên thị trường sơ cấp và thứ cấp. Mở rộng cơ sở nhà đầu tư, khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong điều hành thị trường tài chính, thị trường trái phiếu. Phát triển đồng bộ các cấu phần của thị trường tài chính như thị trường phái sinh, thị trường tiền tệ, ngoại hối để hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường Trái phiếu Chính phủ và thêm kênh đầu tư cho các nhà đầu tư trên thị trường.

Thứ năm, tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác với các tổ chức quốc tế, kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút tham gia vào thị trường Việt Nam.

Source link