Trong tháng 4, các hộ gia đình Nhật Bản tăng chi so với cùng kỳ năm ngoái, dù họ vẫn ngần ngại mở hầu bao do giá cao.
Bộ Nội vụ Nhật Bản hôm 7/6 công bố tiêu dùng tại nước này tăng 0,5% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên số liệu này tăng trong 14 tháng qua, dù vẫn thấp hơn dự báo (tăng 0,6%).
Số liệu cho thấy chi tiêu cho giáo dục và quần áo, giày dép tăng lên, trong khi khoản chi cho thực phẩm, giải trí và điện nước giảm.
“Tiêu dùng cá nhân đã yếu suốt một thời gian dài. Tình trạng này có thể vẫn tiếp diễn. Giá cao đang gây sức ép lên các hộ gia đình”, Masato Koike – nhà kinh tế học tại Sompo Institute Plus nhận xét.
Tiêu dùng ì ạch đang là nỗi lo với giới chức Nhật Bản. Họ muốn kinh tế tăng trưởng vững chắc, với lương tăng ổn định và lạm phát trong tầm kiểm soát. Đây là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Báo cáo này được công bố một ngày sau khi quan chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Toyoaki Nakamura bày tỏ lo ngại về tiêu dùng nội địa yếu. Ông cho rằng lạm phát có thể xuống dưới mục tiêu 2% của BOJ kể từ năm sau, nếu tình trạng hiện tại kéo dài.
Báo cáo khác công bố hôm 5/6 cho thấy lương thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) của người lao động Nhật Bản giảm 0,7% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 25 liên tiếp số liệu này đi xuống.
Dù vậy, tiêu dùng tại Nhật được dự báo sẽ cải thiện dần, khi lương của người lao động tăng lên, lạm phát chậm lại và thuế thu nhập cá nhân giảm. Đầu năm nay, các công ty lớn đã chấp thuận tăng hơn 5% lương tháng cho người lao động. Đây là mức cao nhất trong hơn 3 thập kỷ.
“Nếu tiêu dùng còn yếu, việc bình thường hóa chính sách tiền tệ sẽ rất khó. Nhưng lương thực tế được dự báo cải thiện và tiêu dùng cũng sẽ tăng theo, có thể giúp BOJ thêm tự tin nâng lãi”, Koike dự báo.
Hà Thu (theo Reuters)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tieu-dung-tai-nhat-ban-lan-dau-tang-sau-14-thang-4755556.html