Tổng lượng thép xây dựng bán trong tháng 10 đạt hơn 1,25 triệu tấn, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất gần 3 năm qua.
Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy thép thành phẩm trong tháng vừa qua tiêu thụ gần 2,74 triệu tấn, cao hơn 9,4% so với tháng 9 và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng đến từ thép xây dựng, ống thép, tôn mạ kim loại và SPM. Sự khởi sắc chủ yếu đến từ thị trường nội địa khi xuất khẩu vẫn đi lùi.
Trong đó, thép xây dựng ghi nhận hơn 1,25 triệu tấn được bán ra, tăng lần lượt gần 34% và 44% so với tháng trước và cùng kỳ 2023. Đây là mức tiêu thụ cao nhất kể từ tháng 3/2022. Bán hàng đang vượt hơn 185.000 tấn so với tổng lượng thép xây dựng được sản xuất ra trong tháng.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, thị trường đã tiêu thụ hơn 9,96 triệu tấn thép xây dựng, cao hơn cùng kỳ 2023 khoảng 11%. Điều này cho thấy sức mua một phần đã phục hồi.
Tiêu thụ cải thiện dù trong tháng 10, thép xây dựng đã có 5 lần tăng giá liên tiếp. Đơn cử như Hòa Phát có giá thép cuộn CB240 hiện là 13,94 triệu đồng mỗi tấn, tăng thêm 510.000 đồng sau 5 lần điều chỉnh. Còn thép thanh vằn D10 CB300, giá bán khoảng 14,14 triệu đồng mỗi tấn, tăng 740.000 đồng so với giữa tháng 9.
Việc tăng giá cũng được các hãng khác như Việt Ý, Việt Đức, Việt Sing, Kyoei Việt Nam, VJS… áp dụng. Như vậy, giá thép xây dựng đang về ngang vùng giữa tháng 6, trước khi diễn ra đợt giảm giá khá mạnh xuyên suốt sau đó.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng sản lượng tiêu thụ của hầu hết loại thép tại thị trường nội địa đều tăng trưởng chủ yếu nhờ vào nhu cầu từ cả lĩnh vực xây dựng và công nghiệp duy trì trạng thái tích cực. Nhóm phân tích này nhận định giá thép xây dựng đã tạo đáy nhờ vào mức tồn kho thấp kỳ vọng thị trường bất động sản phục hồi chậm và nhu cầu tiêu thụ thép cho lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng duy trì tăng trưởng.
Ngoài ra, ngành thép nội địa cũng đang hưởng lợi khi các biện pháp bảo hộ được tăng cường giúp giảm bớt áp lực cạnh tranh. Cuối tháng 10, Bộ Công Thương gia hạn thêm 5 năm việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá bằng cách áp thuế với thép phủ màu và tôn màu của Trung Quốc, Hàn Quốc.
Còn theo quan điểm của Chứng khoán MB (MBS), giá thép nội địa có thể phục hồi do áp lực từ Trung Quốc giảm và nhu cầu cải thiện. Kể từ quý IV, MBS kỳ vọng giá thép xây dựng trong nước có thể tăng 5% so với mức đáy vào tháng 8 để đạt mức trung bình 571 USD mỗi tấn (gần 14,2 triệu đồng). Sang năm 2025, thép xây dựng có thể tăng 7% cũng nhờ tăng trưởng nhu cầu và áp lực từ phía Trung Quốc giảm đi.
Tuy nhiên trước đó, VSA nhiều lần lưu ý rằng nhu cầu sử dụng thép nội địa vẫn ở mức thấp, không như kỳ vọng mỗi khi vào mùa xây dựng. Ngoài ra, việc cạnh tranh để bảo vệ thị phần giữa các nhà máy, gồm cả hàng nhập khẩu, khiến thị trường thêm khó khăn.
Tất Đạt
Nguồn tin: https://vnexpress.net/gia-thep-hom-nay-tieu-thu-thep-xay-dung-cao-nhat-gan-ba-nam-4820880.html