Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng hàng hóa được bán ra trên các sàn thương mại điện tử tăng 65%, đạt hơn 1,5 triệu sản phẩm.
Theo dữ liệu từ nền tảng Metric, trong 6 tháng đầu năm nay, doanh số của 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu gồm Shopee, Lazada, Sendo, Tiki và TikTok Shop đã có sự tăng trưởng gần 55% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng hàng hóa được bán ra tăng 65%, đạt hơn 1,5 triệu sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng nhà bán hàng lại giảm 7,5%, xuống còn 573.000 shop cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường này.
Metric nhận định, mức tăng trưởng doanh số thể hiện sự phát triển bền vững của thị trường thương mại điện tử, cũng như khả năng tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi xu hướng chuyển đổi từ mua sắm trực tiếp sang trực tuyến vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.
Trong 6 tháng đầu năm, hai nền tảng Shopee và TikTok Shop vẫn thể hiện sự thống trị với mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Cụ thể, TikTok Shop, nền tảng non trẻ nhất, đạt mức tăng trưởng lên tới 150% về doanh số và 242% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Shopee cũng ghi nhận mức tăng trưởng 65% về doanh số, sản lượng duy trì ngang bằng cùng kỳ.
Ngược lại, ba nền tảng là Lazada, Tiki và Sendo dường như đang không theo kịp sự thay đổi, đồng loạt đi lùi từ 43% đến 70% về doanh số.
Ảnh minh họa |
Trên nền tảng Shopee, các nhà bán hàng đạt doanh số cao nhờ việc đặt kho hàng tại Hà Nội và TP. HCM – hai trung tâm kinh tế hàng đầu với hệ thống logistics phát triển. Ngoài ra, khu vực Đồng bằng sông Hồng vẫn đang là khu vực đầy tiềm năng với nhiều kho hàng có doanh số cao , nhờ vào mật độ dân cư đông đúc và nhu cầu tiêu dùng lớn.
Về phân khúc giá, các sản phẩm giá rẻ dưới 200.000 đồng duy trì tốt sức hấp dẫn khi thị phần tăng thêm 3% so với cùng kỳ năm trước. Trước tình hình kinh tế vẫn còn nhiều biến động hiện nay, theo Metric, thắt chặt chi tiêu vẫn là xu hướng được nhiều gia đình áp dụng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến sự thống trị của các thương hiệu lớn thuộc ngành hàng điện thoại – máy tính bảng. Top 10 thương hiệu có doanh số cao nhất xuất hiện nhiều cái tên quen thuộc như Apple, Samsung, Xiaomi. Điều này cho thấy, nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng đối với các sản phẩm công nghệ.
Livestream (phát trực tiếp) tiếp tục là xu hướng bán hàng nổi bật thời gian qua, hàng loạt phiên livestream đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng với doanh số cao, mắt xem khủng. Mỹ phẩm, thiết bị điện gia dụng, quần áo, giày dép, điện thoại, máy tính bảng, đồ dùng nhà bếp là các mặt hàng chủ yếu được bán trên livestream.
Trong quý III, Metric dự báo rằng tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam sẽ đạt hơn 88.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 23% so với quý trước. Quý III thường là thời điểm quan trọng cho sự tăng trưởng của hầu hết các ngành hàng. Xu hướng mua sắm qua livestream và mua theo combo (nhóm sản phẩm) dự kiến sẽ tiếp tục chiếm ưu thế. Chuyên gia của Metric cho rằng các doanh nghiệp cần tăng cường nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu sâu để nhận diện các sản phẩm hot-trend, từ đó tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.