Khá bất ngờ là trái ngược với nhiệt độ của chỉ số đồng bạc xanh (DXY) trên thị trường giao dịch quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)niêm yết tỷ giá trung tâm áp dụng cho ngày 3/1/2025 ở mức 24.334 VND, giảm 8 đồng so với sáng 2/1 và với biên độ +/-5%, tỷ giá trần là 25.550 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.117 VND/USD. Tỷ giá giữa đồng Việt Nam (VND) so với đôla Mỹ (USD) giảm trong ngày 3/1.
Trước đó, theo dữ liệu thị trường, trong tuần gần cuối của năm 2024, NHNN đã phải bán ra một lượng lớn ngoại tệ khi tỷ giá liên ngân hàng cũng đã tăng mạnh và vượt giá bán USD can thiệp. Điều tương tự cũng diễn ra trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024.
Thống kê chung cho cả năm 2024, theo số liệu của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ước tính NHNN đã bán ngoại tệ dự trữ để ổn định tỷ giá khoảng 9,4 tỷ USD trong năm 2024. Dự trữ ngoại hối sau các đợt bán ngoại tệ hiện còn khoảng 80 tỷ USD.
Việc đồng USD tăng vọt lên mức cao nhất trong 2 năm từ ngày giao dịch đầu tiên của năm 2025, nối tiếp đà tăng mạnh của năm ngoái, chủ yếu do hiệu ứng của đợt bầu cử Tổng thống Trump và hiện nay, là kỳ vọng tăng trưởng của Mỹ sẽ vượt qua các quốc gia khác, đồng thời Mỹ sẽ duy trì lãi suất ở mức tương đối cao, trong dự báo chính sách thuế quan mới trong nay mai có thể tác động tăng lạm phát.
Đây sẽ là áp lực lớn đối việc giữ giá trị các đồng nội tệ của nhiều quốc gia, mà Việt Nam đồng không là ngoại lệ.
Song song với dự báo có khả năng NHNN sẽ tính đến việc tăng lãi suất điều hành trong thời gian tới dưới sức ép tỷ giá, một số chuyên gia cho rằng cơ quan điều hành cũng sẽ phải “canh thời điểm” để bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia hiện đã mỏng đi đáng kể.
Các yếu tố từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng ở góc độ thực hiện, giải ngân vẫn cao; cộng với nguồn lực kiều hối và đặc biệt xuất khẩu tăng tiếp tục là những “bệ đỡ” cho nguồn ngoại tệ.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, hơn 421 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD tại 42 trong 63 tỉnh thành, cùng nguồn kiều hối dự báo đạt khoảng 16 tỷ USD trong năm 2024 là những nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Mức kiều hối này tương đương năm 2023, thời điểm kiều hối về Việt Nam cao kỷ lục sau thời gian tăng trưởng chậm do Covid-19.
Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến đạt mốc kỷ lục mới là 800 tỷ USD. Việt Nam vẫn là một trong những nước tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, một nguồn ngoại tệ đến từ “công nghiệp không khói” – du lịch cũng rất đáng kể. Ước tính trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam đón hơn 15,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong các yếu tố bệ đỡ nguồn lực ngoại tệ nói trên, đẩy mạnh xuất khẩu trong 2025, trong thời kỳ Trump 2.0, được nhấn mạnh cần tối đa hóa hơn nữa để mang về nguồn thu cho nền kinh tế, là trụ cột quan trọng của tăng trưởng GDP đang hướng về mục tiêu cao.
Ông Pyon Young Hwan- Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh- Ngân hàng Shinhan Việt Nam, nhận định: Cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã chuyển dịch theo hướng hiện đại hoá và đạt được những bước tiến mới. Việt Nam không còn là một quốc gia thụ động, mà đã trở thành một quốc gia chủ động và có nhiều hơn các cơ hội tiếp cận và đáp ứng các nhu cầu của các quốc gia phát triển trên thế giới.
Trong suốt 40 năm qua, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 17% mỗi năm, và tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng xuất khẩu của năm 2024 đã vượt hơn 15% so với cùng kì năm trước.
Điều này chứng tỏ Việt Nam đã trở thành một đối tác hấp dẫn đối với thị trường Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và châu Âu, đây là một minh chứng cho thấy vị thế của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể thời gian vừa qua. Nói cách khác, Việt Nam đã tăng cường được năng lực đàm phán để đưa ra các điều kiện thuận lợi hơn với nhiều quốc gia phát triển.
“Theo tôi, Việt Nam cần tối đa hóa những gì mà đất nước bạn có thể làm được ngay lúc này”, Ông Pyon Young Hwan nhấn mạnh.
Nhận xét về tương quan giữa cơ cấu xuất khẩu nếu so sánh giữa Hàn Quốc và Việt Nam, chuyên gia ngoại hối của Shinhank cho rằng có sự khác biệt lớn. Trong đó, Hàn Quốc và Việt Nam đều là những quốc gia có sự phụ thuộc cao vào xuất khẩu, nhưng với trường hợp của Hàn Quốc, một phần lớn doanh thu xuất khẩu đến từ các công ty Hàn Quốc. Tuy nhiên, hơn 70% doanh thu xuất khẩu của Việt Nam đến từ các công ty nước ngoài.
“Vì lý do này, tôi hiểu rằng ngay cả trong nội bộ Việt Nam, các bạn cũng đang hy vọng và chuẩn bị cho sự phát triển mạnh mẽ của các công ty xuất khẩu là công ty của Việt Nam, giống như công ty Samsung của Hàn Quốc. Nhưng tôi chắc chắn rằng chúng ta cần nhiều thời gian hơn nữa. Tôi tin rằng hành động tốt nhất mà Chính phủ Việt Nam có thể làm ngay bây giờ là tăng cường hỗ trợ các công ty nước ngoài trong hoạt động xuất khẩu mà hiện Việt Nam đang làm rất tốt và có lợi thế để trở nên chủ động hơn. Đặc biệt, chúng ta cần chủ động gia tăng những lợi ích có thể đạt được từ xung đột thương mại Mỹ – Trung bằng cách tận dụng những điểm mạnh và sức hút của Việt Nam” ông nói.
Chia sẻ của chuyên gia đến từ ngân hàng có trụ sở tại Hàn Quốc là gợi ý không thể không lưu ý trong hướng bổ sung và cân bằng áp lực đến tỷ giá hối đoái VND/USD nói riêng. Và đây cũng là vấn đề đáng chú ý đối với mô hình tăng trưởng mà trụ cột xuất khẩu lại nghiêng lệch về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đang chiếm hơn 70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, với nền kinh tế kiên định theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao, đang thực hiện lộ trình thị trường hóa giá cả thì giữ lạm phát mục tiêu 4 – 4,5% vẫn là thách thức. Việc thiết lập một “bộ đệm giảm sốc” – ổn định tỷ giá trung tâm trên cơ sở ổn định các yếu tố nội tại của nền kinh tế, sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI theo định hướng hút và vững vàng ứng phó trước các biến động, bao gồm biến động của DXY.
Source link