Trong bối cảnh lãi suất được duy trì ở mức hấp dẫn, cùng với kì vọng các luật liên quan đến bất động sản sẽ được thi hành sớm từ tháng 8/2024, bất động sản dự báo sẽ hồi phục từ giữa cuối năm 2024.
>>>Tín dụng bất động sản sẽ khởi sắc
Chia sẻ tại hội thảo “Chính sách mới – Trợ lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển” mới đây, ông Nguyễn Văn Nguyện – Phó Trưởng phòng Tổng hợp kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, những chuyển biến từ thị trường bất động sản trong những tháng gần đây và tăng trưởng tín dụng bất động sản đã phản ánh các yếu tố tác động này và xu hướng tăng trưởng trong thời gian tới.
Về tín dụng nhà ở, ông Nguyện cho biết, cho vay với mục đích mua nhà để ở, mục đích tự sử dụng vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất, chiếm 68% so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, xuất hiện điểm tích cực ở phân khúc này, khi tín dụng nhà ở tăng trưởng trở lại, tăng 1,2% so với tháng 4/2024 (các tháng trước đó tăng trưởng âm).
“Đây là bộ phận tín dụng chiếm tỉ trọng cao, vì vậy tín dụng phân khúc này tăng trưởng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bất động sản mà còn có ý nghĩa xã hội rất lớn, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, qua đó tác động tích cực đến thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế”, ông Nguyễn Văn Nguyện đánh giá.
Đồng thời cho rằng, với những yếu tố thuận lợi về cơ chế chính sách như lãi suất thấp, khả năng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn của các tổ chức tín dụng, các luật về bất động sản có hiệu lực thi hành sớm… sẽ là cơ sở, là yếu tố thúc đẩy để thị trường bất động sản duy trì những điểm tích cực, tạo điều kiện để phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.
Đánh giá về triển vọng ngành bất động sản trong nửa cuối năm 2024, Chứng khoán Shinhan Việt Nam cũng cho rằng, những vấn đề về pháp lý được hoàn thiện kì vọng thúc đẩy nguồn cung bất động sản. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến giữa tháng 6/2023 có khoảng 1.200 dự án bị vướng mắc, chủ yếu liên quan đến pháp lý. Đến nay, hàng trăm dự án vẫn còn đang chờ được tháo gỡ.
Ngày 9/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP trình Quốc hội thông qua việc sửa đổi hiệu lực thi hành của Luật Bất động sản từ ngày 1/8/2024. Shinhan Việt Nam kì vọng, nếu nghị quyết trên được thông qua, các luật trên được thì hành sớm và đồng loạt sẽ góp phần tháo gỡ những chồng chéo của các văn bản luật trước đây lên dự án. Đồng thời, tạo sự minh bạch, rõ ràng để địa phương có thể hiểu và thực thi pháp luật, từ đó tạo tâm lý tích cực cho cả cán bộ, chủ đầu tư và người mua nhà, giúp khơi thông và thúc đẩy nguồn cung cho thị trường bất động sản từ cuối năm 2024.
Tuy vậy, Công ty Chứng khoán này cũng lưu ý tác động của luật lên thị trường bất động sản có thể chậm hơn vì độ trễ trong việc thi hành luật.
Chứng khoán Shinhan Việt Nam đánh giá một số điểm mới được thông qua tác động lớn đến thị trường bất động sản như: Thay khung giá đất 5 năm thành bảng giá đất hàng năm tiệm cận giá thị trường. Quy định này gia tăng chi phí đền bù, từ đó đấy chi phí phát triển dự án của chủ đầu tư tăng lên; Quy định chi tiết các phương pháp định giả đất góp phần tháo gỡ khó khăn trong khâu định giá; Công khai thông tin bất động sản được đưa vào kinh doanh, góp phần mình bạch thị trường và bảo vệ người mua nhà
“Nhìn chung, chúng tôi nhận định các doanh nghiệp bất động sản có nguồn vốn mạnh, quỹ đất lớn, và sở hữu dự án có pháp lý rõ ràng có thể hướng lợi trong thời gian tới khi chi phí phát triển dự án dự kiến gia tăng, quỹ đất còn hạn chế và thị trường được kì vọng minh bạch hơn”, Công ty này nhận định.
Công ty Chứng khoán này cũng nhận định, lợi nhuận giữa các doanh nghiệp bất động sản niêm yết lớn sẽ có sự phân hóa. Theo đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản dân cư trong quý I nhìn chung sụt giảm so với cùng kì năm ngoái.
Ước tính quý I/2024, doanh thu toàn ngành giảm 51,5% so với cùng kì, lợi nhuận sau thuế giảm 87,6% so với cùng kì. Nếu loại trừ ảnh hưởng của VHM thì doanh thu toàn ngành giảm 15% so với cùng kì và lợi nhuận sau thuế giảm 42,7% so với cùng kì. Lợi nhuận sau thuế quý I/2024 lao dốc chủ yếu do điểm rơi lợi nhuận (bàn giao) của các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu vào quý III và quý IV; Chi phí tài chính vẫn ở mức cao.
Với các doanh nghiệp niêm yết lớn, doanh thu và lợi nhuận có sự phân hóa rõ rệt. Bên cạnh nhóm doanh nghiệp có sự phục hồi lợi nhuận như VRE, PDR, DXG, nhiều doanh nghiệp chứng kiến lợi nhuận sụt giảm mạnh như VHM, KDH, NLG và NVL.
“Tuy vậy, chúng tôi kì vọng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản có sự phục hồi trong các quý tiếp theo khi doanh nghiệp đã có kế hoạch bàn giao dự án và mở rộng kinh doanh trong các quý tiếp theo”, theo Chứng khoán Shinhan.