Chi tiết

Toàn bộ lãnh đạo từ nhiệm trong 1 ngày, chuyện gì xảy ra tại CTP?

 

Toàn bộ lãnh đạo từ nhiệm trong 1 ngày, chuyện gì xảy ra tại CTP?

Theo thông tin công bố từ CTCP Minh Khang Capital Trading Public (HNX: CTP), Doanh nghiệp nhận được đơn từ nhiệm của loạt lãnh đạo cấp cao trong ngày 30/05/2024, bao gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT.

Cụ thể, toàn bộ 8 thành viên ban lãnh đạo CTP đồng loạt nộp đơn từ nhiệm vào ngày 30/05. Trong đó, toàn bộ HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 gồm Chủ tịch Nguyễn Tuấn Thành, Phó Chủ tịch Lê Minh Tuấn, Thành viên độc lập Nguyễn Thị Thảo Nhi, và 2 thành viên HĐQT là Phan Mai Anh Tài cùng Khấu Minh Quân xin từ nhiệm vì “lý do cá nhân, không thể tiếp tục đảm nhận”.

Với lý do tương tự, các thành viên Ban kiểm soát (BKS) CTP cũng nộp đơn từ nhiệm, gồm Trưởng BKS Lê Thị Bích Ngọc, cùng 2 thành viên là Nguyễn Thị Thanh Phương và Nguyễn Thị Ngọc Mỹ. Trong đó, bà Ngọc nộp đơn ngày 29/05, 2 người còn lại vào ngày 30/05.

Các đơn từ nhiệm sẽ được xem xét và thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024. Tuy nhiên, thời gian tổ chức chưa được công bố. Doanh nghiệp chỉ mới chốt quyền tham dự vào ngày 20/05 (ngày giao dịch không hưởng quyền là 17/05/2024).

Chuyện gì đang xảy ra tại CTP?

Câu chuyện tại CTP hẳn là trường hợp cực hiếm gặp trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Động thái từ nhiệm của dàn lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh trước đó ít lâu, vào giữa tháng 05/2024, Chủ tịch và Phó Chủ tịch CTP đăng ký thoái toàn bộ cổ phiếu trong giai đoạn từ 16/05-10/06, gồm 1.54 triệu cp của ông Thành và 231,300 cp của ông Tuấn. Ước tính, 2 vị này có thể thu về lần lượt 8 tỷ đồng và khoảng 1 tỷ đồng.

Đầu năm 2024, Chủ tịch Thành cũng đã bán hơn 1.3 triệu cp CTP trong ngày 02/02/2024, giảm tỷ lệ sở hữu từ 23.76% (2.88 triệu cp) xuống còn 12.74% (1.54 triệu cp).

Diễn biến giá cổ phiếu CTP từ đầu năm 2023 tới nay
 

 

Trước đó nữa, vào tháng 11/2023, cơ cấu cổ đông của CTP có sự biến động mạnh. Loạt cổ đông lớn như CTCP Mingcha, CTCP Đầu tư Landmarks, sau đó là ông Nguyễn Lê Việt Hùng – Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Mingcha… thay nhau thoái vốn.

Những lần thoái vốn của các cổ đông đều diễn ra trong bối cảnh thị giá CTP vào đà tăng mạnh. Trong lần thoái vốn gần nhất, giá CTP từ đáy 3,300 đồng/cp (phiên 18/03) bật tăng lên 5,400 đồng/cp (phiên 16/05). Hay như đợt thoái vốn mạnh vào tháng 11/2023, giá cổ phiếu dao động quanh vùng 4,000-4,500 đồng/cp, tăng 60% từ đáy 2,800 đồng/cp vào đầu tháng 4/2023.

Đáng chú ý, các cổ đông lớn của CTP đều có liên quan đến dàn lãnh đạo. CTCP Mingcha khi mới mở gồm 3 cổ đông góp vốn, trong đó CTCP Đầu tư Landmarks (góp 24%), bà Khấu Thị Minh Phương (vợ ông Nguyễn Tuấn Thành) góp 25%. Bà Phương cũng là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật công ty.

Đến giữa năm 2020, công ty đổi tên thành Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Justwin, sau chưa đầy 1 tháng tiếp tục đổi thành Công ty TNHH Mingcha do ông Khấu Minh Quân (em trai bà Phương) làm Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Năm 2021, vị trí này trả về cho bà Phương. Đến năm 2022, Công ty lại đổi tên thành CTCP Mingcha, nhưng do ông Nguyễn Lê Việt Hùng làm Tổng Giám đốc đồng thời đại diện pháp luật. Tuy nhiên, bà Phương lúc này có tỷ lệ nắm giữ tới 99%.

Doanh thu lớn, lãi nhỏ giọt?

Nhìn trên bảng kết quả kinh doanh, bức tranh hoạt động của CTP thêm phần kỳ lạ. Giai đoạn từ 2019 trở về trước, Doanh nghiệp có doanh thu hàng trăm tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 6-19 tỷ đồng mỗi năm. Từ năm 2020, dù vẫn duy trì doanh thu tương đối tốt nhưng lợi nhuận lại đi xuống thảm hại.

Từ năm 2020, lợi nhuận thu về của CTP rất nhỏ giọt dù doanh thu các năm trước khá đều
 

 

Năm 2020, CTP đạt 108 tỷ đồng doanh thu, nhưng chỉ lãi ròng 49 triệu đồng. Năm 2021 có sự phục hồi, đạt 75 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận 1 tỷ đồng. Đến năm 2022, dù doanh thu vọt lên 118 tỷ đồng, lãi ròng chỉ hơn 700 triệu đồng. Tương tự, năm 2023, doanh thu 88 tỷ đồng, lãi ròng vỏn vẹn 111 triệu đồng.

Sang quý 1/2024, bức tranh kinh doanh của CTP còn u ám hơn. Doanh thu thuần ở mức 709 triệu đồng và lãi ròng 18 triệu đồng, rơi lần lượt 98% và 92% so với cùng kỳ năm trước.

 

Kết quả kinh doanh quý 1/2024 của CTP

CTP tiền thân là CTCP Cà phê Thương Phú (CTP) được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng vào năm 2010. Trụ sở chính của Công ty đặt tại huyện Hương Hóa, tỉnh Quảng Trị. CTP chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm cà phê, cũng như buôn bán sản phẩm nông nghiệp. Sản phẩm của Công ty chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước (90%), khoảng 10% là xuất khẩu sang nước ngoài.

Dù khởi đầu là doanh nghiệp trong ngành trồng trọt, sản xuất cafe, nhưng CTP hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng và bất động sản (theo báo cáo thường niên 2023). Giải trình từ BCTC quý 1/2024, CTP cho biết thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu dùng ảm đạm khiến các hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp, dẫn đến lợi nhuận sụt giảm.

Thời điểm 31/03/2024, tổng tài sản của CTP đạt 153 tỷ đồng, giảm 21% so với đầu năm. Lượng tiền mặt nắm giữ gần 2.8 tỷ đồng (đầu năm gần 290 triệu đồng). Đáng chú ý, Doanh nghiệp gần như không có bất kỳ tài sản dài hạn nào, kể cả tài sản cố định.

Châu An

FILI

Source link