Thiệt hại với toàn cầu từ các hiện tượng thời tiết cực đoan giai đoạn 2014-2023 vào khoảng 2.000 tỷ USD – tương đương khủng hoảng tài chính 2008.
Tháng trước, hai cơn bão lớn là Helene và Milton đổ bộ các bang đông nam nước Mỹ. Hãng dữ liệu CoreLogic ước tính hai cơn bão này gây thiệt hại số tài sản trị giá 51,5-81,5 tỷ USD. Đây là con số rất lớn, nhưng chỉ bằng một phần nhỏ nếu so với những gì biến đổi khí hậu gây ra cho cả thế giới trong 10 năm qua.
Báo cáo Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) công bố ngày 10/11, trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tại Azerbaijan, cho thấy tổng thiệt hại từ các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu vào khoảng 2.000 tỷ USD giai đoạn 2014-2023. Con số này tương đương thiệt hại từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
ICC hiện là tổ chức cho doanh nghiệp lớn nhất thế giới, chuyên xúc tiến thương mại và đầu tư. Trong báo cáo, ICC cho biết họ muốn thúc giục các chính phủ và doanh nghiệp tăng tốc chính sách nhằm giảm khí thải nhà kính. Việc này sẽ góp phần trực tiếp chống biến đổi khí hậu.
“Khi khủng hoảng tài chính xảy ra, các lãnh đạo toàn cầu đã phản ứng rất nhanh và thống nhất. Chúng tôi muốn các chính phủ hiểu rằng tác động kinh tế từ biến đổi khí hậu cũng cần phản ứng như thế”, John W.H. Denton AO – Tổng thư ký ICC cho biết trên CNN.
Báo cáo của ICC đánh giá gần 4.000 hiện tượng thời tiết tại 6 lục địa trong thập kỷ qua. Nghiên cứu bao gồm cả thiêt hại trực tiếp từ việc nhà cửa, cơ sở kinh doanh, hạ tầng bị phá hủy lẫn tác động đến năng suất lao động của con người. Họ chỉ ra khoảng 1,6 tỷ người đã chịu ảnh hưởng từ các hiện tượng thời tiết này.
Thiệt hại cũng tăng dần theo thời gian. Chỉ riêng trong 2 năm 2022 và 2023, thiệt hại kinh tế đã là 451 tỷ USD. Số thảm họa thiên thiên giai đoạn 2000-2019 cũng tăng 83% so với giai đoạn 1980-1999.
“Số liệu mới công bố cho thấy biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của tương lai. Chúng ta đã và đang chứng kiến mất mát từ các hiện tượng thời tiết cực đoan rồi”, Denton nói. 2024 cũng được dự báo là năm tổn thất lớn của thế giới, khi được đánh giá là năm nóng nhất lịch sử.
Báo cáo của ICC được công bố chỉ vài ngày sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, Trump tuyên bố sẽ đảo ngược các nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Mỹ, trong đó có rút quy định hạn chế khí thải với các nhà máy điện. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump cũng rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, với lý do hiệp định này gây ra gánh nặng kinh tế với người Mỹ.
Hà Thu (theo CNN, Reuters)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/toan-cau-thiet-hai-2-000-ty-usd-vi-bien-doi-khi-hau-4815183.html