Tồn kho của doanh nghiệp bất động sản quý 3 lập lỷ lục mới
Tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản trên sàn tiếp tục tăng cao, tại thời điểm cuối quý 3 vượt hơn 530 ngàn tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay.
Theo Bộ Xây dựng, lượng tồn kho bất động sản (số lượng bất động sản của dự án đủ điều kiện đưa vào giao dịch theo quy định của pháp luật nhưng chưa giao dịch trong kỳ báo cáo) tại các dự án trong quý 3 khoảng 25,937 căn, nền (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền), tăng 53% so với cùng kỳ; trong đó chung cư có 4,688 căn; nhà ở riêng lẻ có 12,250 căn; đất nền có 8,999 nền.
Tồn kho bất động sản tiếp tục tăng
Thống kê từ VietstockFinance với 116 doanh nghiệp (trên HOSE, HNX và UPCoM) công bố BCTC quý 3/2024 thuộc nhóm bất động sản bao gồm nhà ở và khu công nghiệp, tổng giá trị hàng tồn kho tính đến 30/9/2024 cao kỷ lục với hơn 531.8 ngàn tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm và là quý thứ 5 tăng liên tiếp (từ quý 2/2023). Trong đó, có 58 doanh nghiệp tăng, 13 không đổi và 45 doanh nghiệp giảm tồn kho so với đầu năm.
Nguồn: VietstockFinance
|
Novaland (HOSE: NVL) tiếp tục dẫn đầu tồn kho với hơn 145 ngàn tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm và chiếm tới 27% tổng tồn kho toàn ngành. 5 năm gần đây, tồn kho của NVL đã gấp 2.5 lần so với thời điểm cuối năm 2019. Trong đó, phần lớn là tồn kho bất động sản để bán đang xây dựng gần 137 ngàn tỷ đồng; còn bất động sản để bán đã xây dựng hoàn thành là gần 8.5 ngàn tỷ đồng.
Tồn kho của NVL 5 năm qua
Nguồn: VietstockFinance
|
2 doanh nghiệp họ Vin gồm Vingroup (HOSE: VIC) có tồn kho hơn 128.2 ngàn tỷ đồng và Vinhomes (HOSE: VHM) 58 ngàn tỷ đồng, tăng lần lượt 38% và 11%. Tồn kho của VHM chủ yếu là các bất động sản để bán đang xây dựng bao gồm tiền sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng và phát triển dự án khu đô thị Vinhomes Ocean Park 2 – 3, Vinhomes Grand Park, Vinhomes Smart City và một số dự án khác.
Đối với nhóm bất động sản khu công nghiệp, đứng đầu vẫn là ông lớn Becamex IDC (HOSE: BCM) với hơn 20.9 ngàn tỷ đồng, giảm 7% so với đầu kỳ; phần lớn là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất, chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các chi phí khác có liên quan đến dự án hơn 18.5 ngàn tỷ đồng.
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (HOSE: KBC) đứng thứ 2 với lượng tồn kho tăng 8%, lên hơn 13.2 ngàn tỷ đồng; tập trung nhiều nhất tại dự án khu công nghiệp và khu đô thị Tràng Cát hơn 8.3 ngàn tỷ đồng (chiếm 64%); dự án khu đô thị Phúc Ninh hơn 1.1 ngàn tỷ đồng (chiếm 8%); dự án khu công nghiệp Tân Phú Trung gần 987 tỷ đồng; dự án nhà ở xã hội thị trấn Nếnh gần 860 tỷ đồng …
Nguồn: KBC
|
Còn một số doanh nghiệp khác có tồn kho trên 10 ngàn tỷ đồng như Nhà Khang Điền (HOSE: KDH) hơn 22.4 ngàn tỷ đồng, tăng 19%; Nam Long (HOSE: NLG) hơn 20.3 ngàn tỷ đồng, tăng 17%; Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) hơn 13.8 ngàn tỷ đồng, giảm 2%) và Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) hơn 12.8 ngàn tỷ đồng, tăng 5%.
Nguồn: VietstockFinance
|
Doanh nghiệp có tồn kho chiếm hơn 50% tổng tài sản
Tính đến cuối quý 3/2024, có 15 doanh nghiệp bất động sản có hàng tồn kho chiếm trên 50% tổng tài sản, tăng thêm 1 doanh nghiệp so với thời đầu năm, chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản nhà ở.
Có tồn kho hơn 1.7 ngàn tỷ đồng, gấp 4.7 lần đầu năm và cũng là doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất tới 91% trong tổng tài sản là Bất động sản HUDLAND (HNX: HLD).
Tồn kho của Đầu tư và Xây dựng HUD4 (UPCoM: HU4) chiếm 80% tổng tài sản, tương đương 582 tỷ đồng, giảm 10% so đầu năm.
Hay Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) cũng nằm trong nhóm có tồn kho chiếm phần lớn tổng tài sản với 74%, hơn 6.9 ngàn tỷ đồng, giảm 2% so đầu năm.
Nguồn: VietstockFinance
|
Xét theo tổng tài sản, 3 ông lớn gồm VIC, VHM, NVL có tổng tồn kho chiếm hơn 62% toàn ngành, ở mức hơn 331.2 ngàn tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Ở nhóm bất động sản khu công nghiệp, tổng tồn kho của 3 ông lớn BCM, KBC và SNZ gần 36.4 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 7% tồn kho toàn ngành, giảm 1% so với đầu năm.
Nguồn: VietstockFinance
|
Lượng tồn kho tăng, giảm đột biến
Ngoài HLD, CTCP Thống Nhất (HNX: BAX) có tồn kho tăng đột biến lên 58 tỷ đồng, gấp gần 4.2 lần so với đầu năm; toàn bộ là giá trị căn hộ nhà công nhân và các công trình giáo dục, thương mại dịch vụ đã hoàn thiện thuộc dự án phát triển nhà ở khu trung tâm dịch vụ khu công nghiệp Bàu Xéo đang chờ bán.
Nguồn: VietstockFinance
|
Trái ngược, ở nhóm giảm, đáng chú ý là CTCP Vạn Phát Hưng (HOSE: VPH) có tồn kho giảm mạnh 81%, về còn gần 208 tỷ đồng, do ghi nhận giảm chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án.
Nguồn: VietstockFinance
|