Tổng Giám đốc CII nói về lý do phát hành 4.5 ngàn tỷ đồng trái phiếu
Sáng 15/01/2025, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường 2024 ngay trong lần đầu, 463 cổ đông tham dự tại thời điểm khai mạc, đại diện cho 51.92% tổng số cổ phiếu lưu hành.
ĐHĐCĐ bất thường 2024 của CII tổ chức sáng ngày 15/01/2025. Ảnh: Thượng Ngọc
|
ĐHĐCĐ thông qua việc CII đầu tư/tham gia đấu thầu dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận. Dự án được đề xuất bởi liên danh CII – CTCP Tập đoàn Đèo Cả (DCAC) – CTCP Tasco (HNX: HUT).
Tuyến cao tốc dài gần 91.13km, trong đó đoạn cao tốc TPHCM – Trung Lương dài 39.62km, đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51.51km.
Tổng mức đầu tư 38,694 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức PPP (hợp đồng BOT), không có sự tham gia của vốn ngân sách Nhà nước, trong đó vốn chủ sở hữu tối thiểu 5,804 tỷ đồng, tương đương 15% tổng mức đầu tư.
CII cho biết việc lựa chọn đầu tư dự án này là vì Công ty đang nắm giữ 89% dự án BOT Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận, nên việc tiếp tục tham gia đầu tư vào dự án sẽ đảm bảo danh mục đầu tư dài hạn trong các năm tới cho Công ty.
Một nội dung khác cũng được thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường là phương án phát hành 2 gói trái phiếu chuyển đổi phát hành ra công chúng với tổng giá trị tối đa 4.5 ngàn tỷ đồng. Trong đó, gói 1 tối đa 2 ngàn tỷ đồng và gói 2 tối đa 2.5 ngàn tỷ đồng. Đối tượng phát hành là các nhà đầu tư phù hợp.
Kỳ hạn dự kiến là 10 năm kể từ ngày phát hành. Giá chuyển đổi 12,500 đồng/cp phổ thông.
Lãi suất kết hợp giữa cố định và thả nổi. Trong đó, lãi suất cố định 10%/năm được áp dụng cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên. Các kỳ tính lãi còn lại áp dụng lãi suất thả nổi bằng tổng 3.5%/năm + lãi suất tham chiếu. Gói 1 sẽ là trái phiếu không có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng và bắt buộc chuyển đổi thành cổ phiếu sau khi đáo hạn. Còn gói 2 sẽ được chuyển đổi theo nhu cầu của trái chủ và chỉ phát hành khi CII trúng thầu dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Mỹ Thuận.
Tại sao không phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu thay vì phát hành trái phiếu?
Trước những lo ngại của cổ đông về việc phát hành trái phiếu, Tổng Giám đốc CII Nguyễn Quốc Bình nói rằng gói 2 chỉ được phát hành khi trúng thầu, còn gói 1 đã nằm trong chương trình được thông qua từ năm trước nhưng chưa được thực hiện.
Lý do phát hành trái phiếu thay vì phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là vì CII đang có 1 trái phiếu chuyển đổi với số dư còn khoảng hơn 10 tỷ đồng nhưng trái chủ lại chuyển đổi lắt nhắt, 1 năm có đến 3-4 đợt chuyển đổi dẫn đến số lượng cổ phiếu lưu hành thay đổi liên tục. Hệ quả, Công ty vừa rồi phải rút hồ sơ xin phép phát hành trái phiếu vì phải thực hiện chuyển đổi 974,300 cp. Trước mắt trong năm 2025, CII còn 2 đợt chuyển đổi vào tháng 5 và tháng 11 nên nếu muốn phát hành cho cổ đông hiện hữu thì sẽ không làm được.
Việc phát hành trái phiếu sẽ khiến hệ số nợ tăng nhưng đó là lý do CII chọn phương thức huy động trái phiếu chuyển đổi. Theo ông Bình, nếu là trái phiếu thường thì hệ số nợ sẽ còn tăng nữa, dẫn đến rủi ro tài chính của CII sẽ ngày càng lớn; còn nếu phát hành cổ phiếu sẽ dẫn đến sự pha loãng ngay tức thì.
Việc phát hành trái phiếu chuyển đổi giải quyết được 3 mục tiêu cùng 1 lúc. Thứ nhất, thỏa mãn được khẩu vị của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức do thích đầu tư trái phiếu hay cổ phiếu đều được. Thứ hai, độ pha loãng sẽ theo thời gian, theo hiệu quả hoạt động của Công ty. Thứ ba, gói 1 bắt buộc phải chuyển đổi khi đến ngày đáo hạn sẽ làm giảm ngay hệ số nợ, tạo cơ sở để tăng vốn đầu tư dự án mới.
Chia sẻ về việc tỷ lệ vốn huy động của dự án đường cao tốc TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận tối đa lên tới 85%, ông Bình cho rằng nếu vay để đầu tư giúp mang về tỷ suất lợi nhuận cao hơn lãi suất đi vay thì nên vay. Quản trị tài chính của doanh nghiệp không có nghĩa giảm nợ nhiều là tốt.
Lãi suất cố định 4 kỳ tính lãi đầu tiên của 2 gói trái phiếu là 10%/năm, nhưng các năm tiếp theo chỉ bằng lãi suất 12 tháng của Vietcombank + 3.5%/năm, ước tính chưa đến 8%/năm.
Hiện nay, CII đang làm việc với 3 công ty chứng khoán nằm trong top 5 của Việt Nam để tiếp xúc với các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước để khi Công ty phát hành, họ có thể quyết định tham gia hay không.
Tại sao không bán dự án cho nhà đầu tư khác?
Về lý do tại sao năm nay mới bắt đầu đẩy mạnh đầu tư, ông Bình chia sẻ do Công ty đang có 2 dự án bất động sản NBB2 và NBB3 để gánh dòng tiền, cổ tức, lợi nhuận của CII trong giai đoạn 2025-2027. Sau khi 2 dự án này hoàn thành nhiệm vụ, CII sẽ đưa dự án mở rộng cao tốc TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận vào khai thác để tạo ra dòng tiền tiếp.
CII có những cuộc chơi ngắn hạn và những cuộc chơi dài hạn. Trong đó, cuộc chơi ngắn hạn dành cho các dự án bất động sản, còn cuộc chơi dài hạn có đích đến là nắm được danh mục đầu tư bền vững, hiệu quả cho CII.
Tổng Giám đốc CII cho rằng khi huy động vốn để đầu tư các dự án mới thì Công ty mới phát triển. Dưới góc nhìn của HĐQT, tỷ suất sinh lời từ hoạt động đầu tư của Công ty phải lớn hơn so với việc cổ đông bỏ tiền vào chỗ khác thì Công ty mới tồn tại được.
HĐQT đã đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố rủi ro cũng như hiệu quả đầu tư các dự án. Nếu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của dự án mà không bằng hoặc cao hơn mức cổ tức của cổ đông thì CII đã không huy động vốn để đầu tư. Do đang trong giai đoạn tham gia dự thầu nên Công ty không thể công bố các tỷ lệ lợi nhuận dự kiến được.
Dù vậy, ông Bình tiết lộ luật PPP cho phép nếu doanh thu trên 125% thì phần thặng dư sẽ chia 5:5 giữa Nhà nước và nhà đầu tư, còn nếu xuống dưới 75% thì phần thâm hụt dưới 75% cũng sẽ chia 5:5 giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong đề xuất của liên danh với Bộ Giao thông vận tải, liên danh nhà đầu tư đề xuất không chia, lời ăn lỗ chịu. Điều này thể hiện sự tự tin của ban điều hành Công ty sau khi nghiên cứu dự án.
Còn về việc tại sao không bán dự án cho nhà đầu tư khác, ông Bình cho biết nếu bán dự án cho các nhà đầu tư sử dụng vốn chủ sở hữu để đầu tư thì CII phải bán rẻ do suất chiết khấu cao. Thay vào đó, CII sẽ bán dòng thu trong tương lai, lúc đó lợi ích của Công ty tại dự án vẫn còn, hệ số chiết khấu cũng thấp hơn nhiều so với bán đứt cả dự án.
Về lý do lựa chọn đầu tư các dự án hạ tầng dẫn về miền Tây thay vì các dự án thuộc cao tốc Bắc – Nam, Tổng Giám đốc CII chia sẻ vì muốn đến khu vực này thì đường bộ là khả dĩ nhất, các đường giao thông còn lại chưa thật sự phát triển. Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển thì nhu cầu đi lại càng lớn, cùng với đó là giá xe hơi đã rẻ hơn. Hiện nay, doanh số thu phí tại các cao tốc những ngày cuối tuần cao hơn 20-25% so với ngày thường do tần suất người ở các thành phố lớn về thăm gia đình là rất lớn.
Nhìn lại dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận Công ty đã làm, mức thu phí năm 2023 tăng 24.3% so với năm 2022 và năm 2024 tăng 28.6% so với năm 2023. Sang năm 2025, mức thu phí 15 ngày đầu tăng 12.6% so với cùng kỳ 2024.
Kết quả kinh doanh NBB2 dự kiến được ghi nhận trong năm 2029
Liên quan đến kế hoạch lợi nhuận 2025 và các năm tới, Phòng quản lý dự án của CII đã có báo cáo phân tích về dòng tiền trong vòng 10 năm tới, bao gồm dòng tiền, nguồn thu, chi phí, lợi nhuận các năm như thế nào. Theo đó, Công ty hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận 2024, còn năm 2025 sẽ hơi yếu một chút do đổ tiền ra đầu tư. Năm 2026-2027, lợi nhuận sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại và dự kiến đạt đỉnh điểm vào năm 2029.
Cụ thể, theo chuẩn mực kế toán, doanh thu bán nhà không được hạch toán cho đến khi bàn giao nhà cho nên để triển khai dự án với hơn 2,000 căn hộ thì phải mất ít nhất 3 năm. Giai đoạn 2025-2027 sẽ là giai đoạn đầu tư, từ năm 2028 bắt đầu bàn giao và ghi nhận lợi nhuận. Theo đó, kết quả kinh doanh của NBB2 dự kiến được ghi nhận trong năm 2029. Đến năm 2030, tất cả dự án giao thông sẽ về đích và đưa vào khai thác, qua đó gánh chỉ tiêu lợi nhuận cho CII trong 10 năm tiếp theo.
Còn về việc áp dụng chuẩn mực kế toán IFRS, CII đã mong muốn được áp dụng từ lâu. Giá cổ phiếu CII trên thị trường hay bất kỳ một chỉ tiêu đánh giá hệ số nợ nào hiện tại đều đang phản ánh giá gốc. Các tài sản ẩn chứa của Công ty không được định giá lại theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS).
Nếu áp dụng được IFRS, cổ đông sẽ biết được Công ty lời bao nhiêu, chỉ số nợ sẽ giảm do tài sản tăng lên và bức tranh của CII sẽ khá hơn nhiều khi làm việc với các tổ chức tín dụng hay nhà đầu tư nước ngoài. Công ty hiện đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực và nguồn lực, ngay sau khi Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn cho phép áp dụng, Công ty sẽ áp dụng chuẩn mực IFRS vào BCTC trong vòng không quá 6 tháng.
Cố gắng duy trì chi trả cổ tức nhờ nguồn thu từ các dự án hiện hữu
Về việc cam kết trả cổ tức, ông Bình cho rằng không doanh nghiệp nào nào dám cam kết luôn trả cổ tức cho cổ đông cả vì theo luật phải hoàn thành hết các nghĩa vụ nợ thì mới trả cổ tức. CII luôn mong muốn trả cổ tức bằng tiền chứ không phải trả bằng cổ phiếu nên vẫn đang phấn đấu để duy trì việc trả cổ tức cho cổ đông.
Việc huy động tiền để đầu tư ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc chia cổ tức cho cổ đông nhưng CII có thể dùng nguồn thu từ danh mục dự án hiện hữu để chi trả cổ tức.
– 18:02 15/01/2025