1. BRICS mở rộng khối
Ngày 1/1/2024, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) chính thức gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS.
Sau đợt mở rộng này, các nước BRICS chiếm khoảng 30% GDP và 1/5 thương mại toàn cầu. Việc kết nạp thêm thành viên có thể giúp BRICS nâng tầm ảnh hưởng của nhóm này trong việc hình thành các chuẩn mực, chính sách mới về quản trị toàn cầu.
2. FED hạ lãi suất
Lần đầu tiên trong 4 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất vào ngày ngày 18/9 với quy mô lớn kể từ tháng 3/2020 khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vững chắc và lạm phát giảm dần.
Sau quyết định của Fed, một số ngân hàng trung ương khác cũng hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
3. Trung Quốc mạnh tay thúc đẩy tăng trưởng
Ngày 8/11, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới – đã đưa ra gói hỗ trợ tài chính trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.400 tỷ USD), tập trung vào giảm gánh nặng nợ cho các chính quyền địa phương.
Sau động thái này, lần đầu tiên trong 14 năm, Trung Quốc dự kiến áp dụng chính sách tiền tệ “nới lỏng hợp lý” kết hợp với chính sách tài khóa chủ động. Trước đó, nhiều biện pháp kích thích kinh tế cũng đã được Trung Quốc đưa ra như hạ lãi suất, nới lỏng quy định về bất động sản, chứng khoán.
4. Ông Trump bị ám sát hụt
Ngày 13-7, ông Trump bị ám sát hụt tại cuộc vận động tranh cử ở TP Butler, bang Pennsylvania. Viên đạn xuyên qua vành tai phải, máu chảy xuống mặt nhưng ông Trump vẫn an toàn. Một khán giả dự sự kiện thiệt mạng và hai người bị thương.
Sau vụ ám sát hụt, theo Poly Market, các nhà cái ở Mỹ đã nâng cao thêm cơ hội thắng cử của ông Trump; đồng thời ông được cho là tranh thủ được thêm một bộ phận không nhỏ cử tri Mỹ, nhất là những người trung lập và phản đối bạo lực.
5. Hội nghị COP29: Thêm cơ hội cho tương lai xanh
Gần 200 quốc gia nhất trí với mục tiêu tăng gấp 3 lần khoản tài chính công hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, từ 100 tỷ USD lên 300 tỷ USD mỗi năm đến năm 2035. Thỏa thuận trị giá 300 tỷ USD trên đánh dấu “một kỷ nguyên mới cho hợp tác và tài chính khí hậu, thúc đẩy đầu tư vào quá trình chuyển đổi sạch, giảm phát thải và xây dựng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu.”
Bên cạnh đó, COP29 cũng đạt được đồng thuận về cách thức hoạt động của thị trường carbon, bao gồm giao dịch giữa các quốc gia và cơ chế tín chỉ carbon, giúp thiết lập tiêu chuẩn mới cho thị trường tín chỉ carbon.
6. Nguy cơ về một cuộc chiến tranh thương mại mới
Việc ông Trump đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris vào năm 2024 được coi là sự trở lại đáng chú ý nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, đảng Cộng hòa cũng đã giành được quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ.
Tuy nhiên, việc ông tuyên bố sẽ áp thuế cao đối với tất cả sản phẩm từ hai nước láng giềng là Canada và Mexico, cũng như từ Trung Quốc được xem là những động thái đầu tiên của ông Trump về chi tiết cách ông sẽ thực hiện những lời hứa trong chiến dịch tranh cử mà theo các chuyên gia điều đó có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại mới.
7. Tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đêm 3/12 ban bố thiết quân luật với lý do “bảo vệ đất nước trước mối đe dọa từ Triều Tiên và dẹp bỏ các thế lực chống phá Nhà nước, thân Triều Tiên, cũng như bảo vệ trật tự hiến pháp tự do”. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc áp đặt tình trạng thiết quân luật trong vòng 44 năm qua.
Sau khi ban bố thiết quân luật rồi phải dỡ bỏ 6 tiếng sau đó, Tổng thống Yoon Suk Yeol đang đối mặt với làn sóng phản đối ngày càng tăng khi các thông tin công bố ngày càng bất lợi đối với ông. Đồng thời, cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc đang có chiều hướng lan rộng và chưa nhìn thấy hồi kết.
8. Biến động ở Trung Đông
Các sự kiện do cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào tháng 10 năm 2023 đã lan rộng khắp Trung Đông vào năm 2024. Israel tiếp tục cuộc chiến ở Gaza. Số người chết hiện đã vượt quá 45.000 người và miền Bắc Gaza đang bên bờ vực của nạn đói. Các cuộc không kích trả đũa của Israel vào cuối tháng 10 đã làm tê liệt hoạt động sản xuất tên lửa của Iran và phá hủy hệ thống phòng không của nước này.
9. Tranh chấp thương mại giữa EU và Trung Quốc
Ngày 4/10, Liên minh châu Âu (EU) quyết định áp thuế nhập khẩu lên tới 45,3% đối với xe điện Trung Quốc. Đây là tranh chấp thương mại lớn nhất giữa EU và Trung Quốc trong một thập kỷ qua.
Quyết định của EU có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại sâu rộng, đồng thời tiềm ẩn nhiều hệ lụy đối với thị trường xe điện nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.
10. Sự cố “màn hình xanh”
Ngày 19/7, hàng loạt hệ thống lớn tại sân bay, bệnh viện, doanh nghiệp sử dụng hệ điều hành Windows bất ngờ gặp lỗi “màn hình xanh” và không thể khởi động lại để hoạt động bình thường. Sự cố đã gây ảnh hưởng tới nhiều cơ quan, tổ chức tại các quốc gia: Đức, Singapore, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Israel, Nam Phi…
Nguyên nhân vấn đề được cho là xuất phát từ lỗi trong hệ thống của công ty an minh mạng toàn cầu CrowdStrike – đối tác của Microsoft. Tuy Microsoft và các nhà chức trách tuyên bố sự cố đã được khắc phục, tuy nhiên, hậu quả vẫn tiếp tục lan rộng.
Thống kê sơ bộ ngày 19/7 cho thấy có tới hàng ngàn chuyến bay bị hủy trên nhiều quốc gia; đồng thời máy tính tại các ngân hàng, tổ chức truyền thông, bệnh viện, dịch vụ vận tải, quầy thanh toán cửa hàng, sân bay… tại các nước thuộc châu Âu, châu Úc liên tục khởi động lại và gặp lỗi.