Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM vừa có thông báo gửi đến các đơn vị, tổ chức trong địa bàn thành phố phối họp làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nắm rõ, hiểu rõ pháp luật quy định về hoạt động kinh doanh vàng; quy định về mua bán vàng miếng.
Thông báo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đưa ra nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nuớc Việt Nam đã và đang thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường vàng, giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Đây cũng là lời khuyến cáo người dân tại TP.HCM chỉ thực hiện mua, bán vàng miếng tại những nơi được cấp phép kinh doanh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, các biện pháp này bước đầu đã phát huy hiệu quả, giá vàng trong nước giảm mạnh và tiệm cận dần với giá vàng thế giới. Đây là kết quả quan trọng, không chỉ tạo điều kiện cho thị trường vàng ổn định mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Theo đó, để tiếp tục phát huy hiệu quả chính sách, đồng thời hạn chế và loại bỏ các yếu tố phi thị trường ảnh hưởng đến hiệu quả giải pháp ổn định thị trường vàng của Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đưa ra các khuyến cáo sau:
Thứ nhất, người dân chỉ được thực hiện mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng (vàng trang sức mỹ nghệ) không được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng thực hiện việc mua bán vàng miếng với cá nhân, tổ chức là trái quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết việc kinh doanh mua, bán vàng miếng khi không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng và mua, bán vàng miếng tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng sẽ bị xử phạt theo quy định (Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019).
Thứ hai, doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này (sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ; kinh doanh mua bán vàng trang sức mỹ nghệ, kinh doanh mua bán vàng miếng) cần tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về giấy phép hoạt động; về giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ; về cơ sở vật chất và phương án kinh doanh an toàn; về giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng; về chứng từ hóa đơn; về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; về chất lượng sản phẩm và công khai niêm yết giá.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết hoạt động đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và công khai minh bạch không chỉ là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, mà còn phòng ngừa, hạn chế rủi ro do sai phạm, do liên quan tội phạm làm hàng nhái, hàng giả, buôn lậu và trốn thuế.
Thứ ba, vàng với tính chất là tài sản tài chính biến động, gắn liền với nhiều yếu tố của thị trường, người dân cần cân nhắc và thận trọng trong việc mua vàng, trong đầu tư vàng để tránh rủi ro do giá vàng biến động.
Đồng thời, cần thực hiện đúng quy định về kinh doanh mua bán vàng, lan tỏa ra cộng đồng và chung sức cùng ngành thực hiện tốt các biện pháp ổn định thị trường.
“Việc tập trung đông người, xếp hàng mua vàng dễ xảy ra trộm cướp, đặc biệt, mua hộ vàng gây mất trật tự là không cần thiết, tiềm ẩn rủi ro và vi phạm pháp luật về đầu cơ, làm giá và ảnh hưởng đến lợi ích nền kinh tế”, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM nhấn mạnh.
Kết phiên ngày 13/6, giá vàng miếng SJC vẫn được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua – bán). Chênh lệch giữa chiều mua và bán là 2 triệu đồng/lượng.
Tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước Big4 (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) đang bán vàng miếng SJC với mức giá 76,98 triệu đồng/lượng trong 6 phiên liên tiếp gần đây. Những đơn vị này chỉ bán, không mua vàng từ người dân.
Tại các điểm bán vàng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) giá vàng miếng SJC được công ty này niêm yết bằng với giá bán của các ngân hàng thương mại nhà nước Big4.