Chi tiết

TP.HCM: Tăng vốn một số công trình, hạ tầng giao thông trọng điểm

Tại kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa X, các đại biểu đã biểu quyết thảo luận, quyết định 28 nội dung liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực. Đây là các nội dung đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của Thành phố.

Theo đó, tại kỳ họp, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được Hội đồng nhân dân TP.HCM phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tăng vốn từ 9.600 tỷ đồng lên hơn 17.200 tỷ do TP.HCM áp dụng Luật Đất đai 2024 khi dự toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trong đó, bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật hơn 13.937 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 2.729 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 47,8 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng hơn 109,6 tỷ đồng; chi phí khác hơn 25, 5 tỷ đồng và chi phí dự phòng hơn 380,1 tỷ đồng.

Hội đồng nhân dân TP.HCM giao Ủy ban nhân dân TP.HCM chịu trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai dự án. Trong đó, có các vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng cấp quốc gia.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để triển khai thực hiện dự án theo quy định. Trong quá trình triển khai cần đảm bảo tính đồng bộ của dự án, không làm phát sinh các tác động đến môi trường xung quanh…

Rạch Xuyên Tâm dài gần 9 km, chảy qua quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp. Dự án gồm tuyến rạch chính dài gần 6,7 km từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật và 3 nhánh dài hơn 2,2 km (nhánh cầu Sơn, Bình Triệu, Bình Lợi).

Trong hai địa phương tuyến rạch đi qua, đoạn qua Gò Vấp chiếm phần ít với chiều dài khoảng 1,3 km, hiện đã được bàn giao hơn 60% diện tích mặt bằng, chuẩn bị khởi công. Riêng đoạn qua Bình Thạnh, số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án rất lớn, ước tính hơn 2.100 trường hợp. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Ngoài dự án cải tạo Rạch Xuyên Tâm, tại kỳ họp lần này, Hội đồng nhân dân TP.HCM cũng thống nhất cho tăng vốn dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường Bờ Bắc Kênh Đôi (Quận 8) từ hơn 4.900 tỷ đồng lên hơn 7.400 tỷ đồng. Phần vốn tăng thêm cũng chủ yếu dành cho đền bù, giải phóng mặt bằng khi áp dụng giá đất mới.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã thông qua việc bố trí gần 1.000 tỷ đồng mở rộng 3,2 km đường dẫn cao tốc nối với Đồng Nai từ 4 lên 8 làn xe, giúp đồng bộ giao thông, tăng kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ. Dự án dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành sau một năm.

Đoạn đường dẫn cao tốc dài hơn 3 km từ nút giao An Phú đến Vành đai 2, thành phố Thủ Đức, sẽ được mở rộng lên gấp đôi hiện nay để đạt quy mô hoàn chỉnh 8 làn xe.

Trong đó, hơn 2 km phần đường và hai cầu Mương Kênh, cầu vượt bắc qua tuyến Đỗ Xuân Hợp sẽ được mở rộng đồng bộ. Việc triển khai dự án này được đánh giá thuận lợi vì ít phải giải phóng mặt bằng.

Khi hoàn thành, dự án sẽ đồng bộ với nút giao An Phú đang được thành phố triển khai với quy mô 3 tầng, dự kiến khai thác cuối năm 2025. Đường dẫn sau khi nâng cấp cũng tạo thông suốt với tuyến chính cao tốc Long Thành – Dầu Giây sắp được mở rộng, giúp tăng kết nối TP.HCM về sân bay Long Thành và Đông Nam Bộ

Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đề xuất Chính phủ giao Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư nâng cấp cao tốc Long Thành – Dầu Giây lên 8-10 làn xe. Đoạn dự kiến triển khai dài 22 km, từ nút giao Vành đai 2 TP.HCM đến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Đồng Nai. Tổng mức đầu tư dự án này ước tính khoảng 14.955 tỷ đồng

Nguồn