Chi tiết

Trái phiếu doanh nghiệp: Con voi ở giữa phòng

Ước tính trong tháng 8-2024, 40% trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn. Nhưng điều đáng chú ý hơn là phần lớn trái phiếu phát hành riêng lẻ và các nhà đầu tư chủ chốt là các tổ chức tín dụng, các công ty chứng khoán. Để thực hiện được mục tiêu phát triển quy mô thị trường TPDN đạt 30% GDP vào năm 2030, trước mắt phải ưu tiên một số việc.


Cát nhiều vàng ít

Hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ ở Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sau một năm hoạt động đã ghi nhận 1.146 mã trái phiếu của 301 doanh nghiệp với giá trị đăng ký giao dịch khoảng 830.000 tỉ đồng. Tuy vậy, hiện nay chỉ có 50% tổ chức phát hành phát sinh giao dịch và 38% mã trái phiếu được giao dịch.

Ngoài ra, số lượng mã trái phiếu không đủ thông tin để định giá hoặc không đủ chuẩn lại chiếm đến 70% tổng số mã có phát sinh giao dịch. Và như vậy, số mã trái phiếu tạm xem là “đủ chuẩn” chỉ chiếm hơn 10% số đăng ký giao dịch.

Nhưng nỗi lo lớn hơn của thị trường TPDN là ở khả năng thanh toán đúng hạn. Theo VIS Rating, trong vòng 12 tháng tới có một tỷ lệ đáng kể TPDN đáo hạn trong diện có rủi ro cao và chậm trả gốc/lãi. Ước tính chỉ riêng trong tháng 8-2024, 7.300 tỉ đồng trong số 18.300 tỉ đồng TPDN có rủi ro không trả đúng hạn. Trong tổng số 259.000 tỉ đồng TPDN đáo hạn, khoảng 20% có rủi ro cao chậm trả, và 90% trong số đó đã từng chậm trả lãi ít nhất một lần.

Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán chủ yếu nằm trong nhóm bất động sản, năng lượng, và xây dựng. Khả năng vượt khó của các doanh nghiệp này là không cao bởi vì tình hình thị trường bất động sản vẫn còn ảm đạm, các doanh nghiệp hiện đang có đòn bẩy cao và nguồn tiền mặt thấp.

Con voi ở giữa phòng

Nhiều người lo ngại khả năng vỡ nợ của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, nhưng những nỗ lực để gia hạn hay trả nợ bằng cách hoán đổi tài sản cho thấy bên cho vay không hề muốn tình huống xấu xảy ra. Tại sao như vậy?

Khi nhìn vào số liệu cơ cấu nhà đầu tư thì câu trả lời nằm ở chỗ 70% nhà đầu tư trái phiếu riêng lẻ là các tổ chức tín dụng trong nước, các công ty chứng khoán. Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị vỡ nợ thì các định chế tài chính là nhà đầu tư phải ghi nhận các khoản lỗ. Trong trường hợp khoản lỗ là đáng kể thì sự ổn định của hệ thống tài chính có thể bị đe dọa, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, nguồn vốn.


Rủi ro nắm giữ TPDN của các tổ chức tín dụng hiện nay là không hề nhỏ, nhưng vấn đề chưa được quan tâm đúng mức, như chuyện con voi ở giữa phòng.

Mức độ rủi ro tích tụ còn ở một điểm khác, đó là 80% các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong năm qua là các doanh nghiệp niêm yết. Nhiều khả năng tài sản bảo đảm của các doanh nghiệp này chính là cổ phiếu của doanh nghiệp, hoặc là bất động sản hình thành trong tương lai. Trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, giá thị trường của cổ phiếu giảm, giá trị tài sản bảo đảm sẽ giảm theo. Nếu rơi vào tình huống cổ phiếu bị bán giải chấp thì rủi ro hệ thống sẽ tăng lên.

Thông thường, thị trường TPDN là kênh đầu tư thu hút các công ty bảo hiểm nhân thọ, các quỹ hưu trí, các quỹ đầu tư. Thế nhưng do kỳ hạn TPDN phần lớn là ngắn, mức độ rủi ro cao nên nhóm nhà đầu tư này ở Việt Nam trong thị trường TPDN riêng lẻ chiếm chưa đến 1%. Điều này cho thấy tính ngắn hạn và đầu cơ của TPDN khá cao, nhất là việc xếp hạng các TPDN vẫn còn rất sơ khai ở thị trường Việt Nam.

Tương lai của thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

Mặc dù những khó khăn của thị trường TPDN vẫn chưa giải quyết xong, tiềm ẩn nhiều rủi ro với nhóm TPDN cũ (bất động sản, năng lượng tái tạo) nhưng thị trường bắt đầu đón nhận một làn gió mới. Sự tham gia thị trường của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như hạ tầng, tiện ích, cùng với các tổ chức bảo lãnh góp phần cải thiện chất lượng của thị trường, theo hướng ổn định hơn, bền vững hơn.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển quy mô thị trường TPDN đạt 30% GDP vào năm 2030, đã có nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu như cải thiện sự minh bạch của thị trường; đa dạng và nâng cao chất lượng tổ chức phát hành, trái phiếu phát hành; thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nước và quốc tế; hoàn thiện khung pháp lý, ưu tiên bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

Tuy nhiên, có những việc cần ưu tiên để xử lý những tồn đọng của thị trường, phòng ngừa những rủi ro có thể làm mất ổn định hệ thống tài chính.

Trước tiên cần phải khoanh vùng, xem các khoản đầu tư TPDN nhiều rủi ro của các định chế tài chính là những khoản “nợ xấu” cần ưu tiên xử lý. Cần lưu ý bảo đảm việc trích lập dự phòng thua lỗ trong đầu tư, cũng như khả năng an toàn vốn của các ngân hàng.

Cùng với đó là việc theo dõi sát sao tỷ lệ nắm giữ, đầu tư vào TPDN của các định chế tài chính để tránh trường hợp mức độ tập trung quá cao. Có lẽ, nên nghiên cứu đặt ra một tỷ lệ tối đa được đầu tư vào TPDN với các ngân hàng để tỷ trọng các nhà đầu tư chuyên nghiệp khác tăng lên.

Rủi ro nắm giữ TPDN của các tổ chức tín dụng hiện nay là không hề nhỏ, nhưng vấn đề chưa được quan tâm đúng mức, như chuyện con voi ở giữa phòng. Mọi chuyện muốn phát triển đều cần có cái gốc vững mạnh và kiểm soát được những rủi ro tiềm ẩn. Những lỗ hổng thời gian qua trên thị trường TPDN phải cần thời gian để sửa chữa, nhưng hy vọng là sẽ không kéo dài, như tiền lệ là các ngân hàng yếu kém cho đến nay vẫn chưa được xử lý xong một cách rốt ráo.

TS. Võ Đình Trí



Source link