Kết quả kinh doanh khởi sắc nhiều năm liền
Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã: HHV) đã ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2020 – 2023. Doanh thu hơn gấp đôi từ 1.202 tỷ đồng lên 2.685 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 176 tỷ đồng lên 364 tỷ đồng.
Trong 9 tháng năm nay, doanh nghiệp hạ tầng tiếp tục đạt mức tăng trưởng 2 chữ số khi doanh thu hợp nhất 2.298 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 367 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 19% so với cùng kỳ năm trước.
Chứng khoán DSC nhận định, mức tăng trưởng lũy kế hằng năm CAGR 13,8%/năm trong giai đoạn 2020-2024 sẽ duy trì trong giai đoạn 2025 – 2030 nhờ ba yếu tố chính. Thứ nhất, dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh mẽ đã tạo động lực lớn cho làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng về Việt Nam. Thứ hai, ngành du lịch phục hồi ấn tượng với lượng khách quốc tế tăng 41% so với cùng kỳ, đạt 15,8 triệu lượt trong 11 tháng năm 2024. Thứ ba, nguồn thu mới từ trạm thu phí Cam Lâm – Vĩnh Hảo đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng doanh thu dài hạn.
Năm 2025 là năm cuối cùng trong giai đoạn 2021-2025, tiến độ triển khai các dự án đầu tư công đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Theo đó, DSC kỳ vọng, Đèo Cả nghiệm thu xong dự án cao tốc Quãng Ngãi – Hoài Nhơn, ghép nối tuyến cao tốc Bắc Nam trước nửa đầu năm; khởi công dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh và thúc đẩy tiến độ tại dự án đường vành đai biển Bình Định. Trong khi, mảng thu phí BOT dự kiến duy trì đà tăng trưởng CAGR 14%/năm. Nhờ vậy, doanh thu và lợi nhuận công ty có thể lên mức kỷ lục mới.
Hưởng lợi từ hai làn sóng đầu tư
DSC cho rằng HHV đang được hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách đầu tư công của Chính phủ, đặc biệt là các dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn II. Trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh giải ngân đầu tư công với mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc trước cuối năm 2025.
Tính tới tháng 11/2024, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa vào vận hành mới khoảng 858 km đường cao tốc trong niên độ tài khóa 2021-2025; đóng góp vào tổng chiều dài cao tốc vận hành lũy kế là 2.021 km. Cập nhật tiến độ các dự án cao tốc, 28 dự án thành phần đang triển khai được Bộ Tài chính phân loại thành 3 nhóm; trong đó, nhóm 1 với 13 dự án (736 km) dự kiến hoàn thành đúng tiến độ, nhóm 2 gồm 9 dự án (300 km) đang còn vướng mắc về pháp lý, giải ngân vốn và tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, dự kiến hoàn thành 70-80% kế hoạch, nhóm 3 gồm 6 dự án (152 km) chưa tìm được nhà thầu và kế hoạch vốn, dự kiến không hoàn thành.
Như vậy, DSC nhận định, Bộ GTVT có thể hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025. Trọng điểm, dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn II (729 km) được Chính phủ chỉ đạo sát sao, với mục tiêu hoàn thành trước 30/4/2025.
Nhờ khả năng quản lý dự án hiệu quả, HHV đã được giao đảm nhận các dự án cao tốc chiến lược như Quảng Ngãi – Hoài Nhơn và Cam Lâm – Vĩnh Hảo. Đây là những tuyến giao thông huyết mạch, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội mà còn tăng cường kết nối vùng, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Mặt khác, HHV đang đẩy mạnh nghiên cứu và đầu tư vào các dự án quy mô lớn với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 100.000 tỷ đồng như cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, cao tốc TP.HCM – Chơn Thành, Vành đai 4 qua Bình Dương, cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận (GĐ 2).
Cùng với đó, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đã biến Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách gia tăng mạnh mẽ, tạo cơ hội để HHV tối ưu hóa doanh thu từ các trạm thu phí BOT, đảm bảo nguồn thu ổn định và bền vững trong dài hạn.