Chi tiết

Triển vọng tăng trưởng ngành ngân hàng năm 2025

Động lực tăng trưởng chính

Dữ liệu BCTC của các ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi ròng là nguồn thu chủ lực, chiếm đến 80% tổng thu nhập của ngành trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng nhẹ so với mức 78% trong năm 2023.

dmhl8529.jpeg
Năm 2025, dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục duy trì ở mức 15%, nhờ vào sự phục hồi của thị trường bất động sản

Ngược lại, đóng góp từ các nguồn thu ngoài lãi như thu nhập từ phí dịch vụ và đầu tư chứng khoán đều có sự giảm sút. Cụ thể, thu nhập từ phí dịch vụ giảm từ 11% xuống còn 10% và thu nhập từ đầu tư/kinh doanh chứng khoán (chủ yếu là trái phiếu Chính phủ) giảm từ 2% xuống còn 1%.

Dự báo trong năm 2025, thu nhập lãi ròng vẫn sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận, với dự đoán chiếm khoảng 80% tổng thu nhập của ngành. Đây là kết quả của kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ thị trường tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất có thể ổn định và thị trường bất động sản dần khôi phục trong nửa cuối năm.

Tính đến ngày 7/12/2024, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 12,5%, với khả năng đạt 15% vào cuối năm 2024. Sang năm 2025, chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục duy trì ở mức 15%, nhờ vào sự phục hồi của thị trường bất động sản. Các khoản vay mua nhà trong 9 tháng đầu năm 2024 đã tăng 5,2% so với đầu năm, cao hơn so với mức tăng trưởng khiêm tốn 1% của năm 2023. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu tín dụng, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản đang phục hồi.

Bên cạnh đó, các ngân hàng lớn như HDB, MBB, VCB và VPB – những ngân hàng đang tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, sẽ tiếp tục nhận được hạn mức tín dụng cao hơn mức bình quân của ngành trong năm 2025. Đặc biệt, ACB và TCB sẽ được ưu tiên cấp thêm hạn mức tín dụng nhờ vào nền tảng vốn mạnh mẽ và chất lượng tài sản ổn định.

Còn nhiều thách thức

Một yếu tố quan trọng cần lưu ý là chi phí vốn (COF) có thể tăng từ 10-50 điểm cơ bản trong năm 2025, do ảnh hưởng từ sự thay đổi tỷ giá USD/VND. Đồng Việt Nam đã mất giá khoảng 4,3% tính từ đầu năm 2024, gây áp lực lên chi phí vốn của các ngân hàng.

dmhl8150-enternews-1666774773.jpeg
Các ngân hàng có tỷ lệ CASA (tài khoản thanh toán không kỳ hạn) cao sẽ có lợi thế lớn trong việc quản lý chi phí vốn

Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ tiếp tục các biện pháp siết chặt thanh khoản, khiến chi phí vốn gia tăng. Đồng thời, việc các ngân hàng phát hành trái phiếu để huy động vốn dài hạn nhằm đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ vốn cũng cũng làm tăng chi phí.

Tuy nhiên, các ngân hàng có tỷ lệ CASA (tài khoản thanh toán không kỳ hạn) cao như TCB (36,5%), MBB (36,5%) và VCB (34,8%) sẽ có lợi thế lớn trong việc quản lý chi phí vốn, nhờ vào nguồn vốn rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn. Dự báo NIM (biên lãi ròng) của ngành sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ 5-10 điểm cơ bản trong năm 2025, nhờ vào sự cải thiện lợi suất cho vay, đặc biệt là trong phân khúc cho vay bất động sản dài hạn.

Trong khi đó, thu nhập từ đầu tư, kinh doanh chứng khoán sẽ tiếp tục găp khó do môi trường lãi suất cao. Cụ thể, thu nhập từ đầu tư và kinh doanh chứng khoán đã giảm 24% so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng đầu năm 2024. Có thể môi trường lãi suất cao sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2025 khiến tăng trưởng thu nhập từ đầu tư, kinh doanh chứng khoán sẽ gần như đi ngang so với cùng kỳ trong năm 2025.

Riêng về nợ xấu và chất lượng tài sản, tính đến quý 3/2024, tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành đã tăng nhẹ lên 2,26% so với quý trước đó, nhưng tỷ lệ nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) lại giảm xuống còn 1,72%. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của ngành đã đạt 83%, cho thấy chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn được kiểm soát tốt.

Một điểm sáng là các ngân hàng như VCB, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất (205%), có khả năng linh hoạt hơn trong việc xử lý nợ xấu và giảm áp lực trích lập dự phòng.

Vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư 53/2024 về việc cơ cấu lại nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi. Điều này có thể giúp các ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng trong ngắn hạn, tạo thêm động lực cho tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025.

Triển vọng cổ phiếu tích cực

Đối với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng, chúng tôi cho rằng một trong những yếu tố quan trọng quyết định định giá cổ phiếu ngân hàng trong năm 2025 chính là sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Sau một thời gian khó khăn, dự báo thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại trong nửa cuối năm 2025, kéo theo sự tăng trưởng của nhu cầu tín dụng và cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng.

Với tỷ lệ P/B (giá trên giá trị sổ sách) của ngành ngân hàng hiện ở mức 1,1x và ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) ước tính 18% vào năm 2025, thì triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2025 là khá tích cực. Các ngân hàng tập trung vào mảng bán lẻ như ACB, VIB, TCB, VCB, HDB, MBB và VPB được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng phục hồi này.

Như vậy, ngành ngân hàng Việt Nam năm 2025 dự báo sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ nhờ vào sự cải thiện của thị trường tín dụng và bất động sản. Dù chi phí vốn có thể tăng do các yếu tố ngoại cảnh, các ngân hàng có nền tảng tài chính vững mạnh và tỷ lệ CASA cao sẽ có lợi thế trong việc duy trì biên lãi ròng ổn định. Bên cạnh đó, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc xử lý nợ xấu hiệu quả, đồng thời cải thiện lợi nhuận.

Với triển vọng tích cực, đặc biệt là sự phục hồi của thị trường bất động sản, các cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ được định giá cao hơn trong năm 2025. Nhà đầu tư có thể cân nhắc các cổ phiếu ngân hàng như ACB, TCB, VCB, HDB, MBB và VPB trong danh mục đầu tư của mình.

*Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu phân tích CTCK Yuanta Việt Nam


Source link