Chi tiết

Triển vọng “u ám”, kinh tế Trung Quốc bị hạ dự báo tăng trưởng

28 nhà kinh tế học Trung Quốc đã đưa ra con số dự báo mức tăng trưởng GDP của nước này năm 2024 xuống là 4,8%, giảm so với mức 4,9% trong cuộc khảo sát hồi tháng 7. Tuần trước, chính quyền Trung Quốc có động thái cắt giảm lãi suất, củng cố thị trường bất động sản và bơm hàng tỷ đô la Mỹ vào thị trường chứng khoán. Động thái này khiến cổ phiếu tăng vọt.

Các nhà kinh tế này ước tính tăng trưởng GDP quý 3 của Trung Quốc là 4,6%. Con số này đánh dấu sự chậm lại so với mức tăng trưởng 4,7% của quý 2 và yếu hơn nhiều so với mức tăng trưởng 4,9% của quý 3 năm ngoái.

Áp lực giảm phát trong nước

2(1).jpg
Các nhà kinh tế Trung Quốc đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của nước này.

Nhà kinh tế học Ken Chen tại KGI Châu Á đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Trung Quốc xuống còn 4,9% từ 5,3%, dựa vào sự suy yếu của sản lượng công nghiệp, đầu tư, bán lẻ và bán bất động sản. “Xu hướng tăng trưởng kinh tế hiện tại vẫn đang giảm, chủ yếu là do chu kỳ bất động sản chạm đáy và áp lực giảm từ nhu cầu bên ngoài”, ông Ken Chen cho biết, đồng thời cho rằng các biện pháp kích thích tăng trưởng có thể không đủ để đạt được mục tiêu GDP hằng năm của chính phủ (khoảng 5%).

Lĩnh vực bất động sản ảm đạm vẫn là lực cản lớn mặc dù chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách giảm lãi suất và giảm chi phí mua nhà. Các nhà kinh tế xác định ba rủi ro hàng đầu là “thị trường nhà ở chậm chạp”, “niềm tin của người tiêu dùng yếu” và “không có chính sách đầy đủ”.

Hui Shan – nhà kinh tế trưởng tại Goldman Sachs đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2024 từ 4,9% xuống còn 4,7%. Bà cho biết các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản trước đó của Trung Quốc có thể không hiệu quả.

Nhu cầu nhà ở khó tăng do dân số trẻ của Trung Quốc đang giảm, một phần do hệ quả của chính sách một con trước đây. Tetsuji Sano – chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á lưu ý rằng “với tình trạng dân số già hóa tiếp tục diễn ra và hệ thống lương hưu chưa phát triển, nhu cầu của người tiêu dùng có khả năng sẽ giảm trên toàn xã hội”.

“Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực nhà ở, cân đối thu chi hộ gia đình cũng như triển vọng thu nhập và việc làm không chắc chắn trong một môi trường kinh tế khó khăn đang kìm hãm tiêu dùng trong nước”, Sophie Altermatt, nhà kinh tế tại Julius Baer cho biết.

Harry Murphy Cruise, một nhà kinh tế tại Moody’s Analytics đã nhấn mạnh niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc còn yếu. “Giữa tình trạng bất ổn việc làm gia tăng, hỗ trợ phúc lợi không đầy đủ và bất bình đẳng dai dẳng, các hộ gia đình có xu hướng tích trữ tiền tiết kiệm để phòng ngừa. Đây là một hành vi gây tổn hại đến chi tiêu hiện nay”, ông Harry Murphy Cruise nhấn mạnh.

Bất động sản chiếm khoảng 70% tài sản hộ gia đình Trung Quốc. Chính vì vậy, giá nhà giảm có tác động trực tiếp đến tài sản, làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và gia tăng lo ngại về lạm phát.

Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, động lực trong lĩnh vực này cũng đang bắt đầu suy yếu do nước này đang phải vật lộn sau dịch COVID-19. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 8 đã chậm lại còn 4,5%, giảm so với mức 5,1% của tháng 7.

Tác động tiêu cực từ bên ngoài

Cùng thời điểm, chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng. Mỹ, Liên minh Châu Âu và Canada áp dụng thuế quan bổ sung đối với xe điện giá rẻ của Trung Quốc. Indonesia cũng đã áp dụng lại thuế quan đối với hàng hóa như hàng dệt may nhập khẩu đến từ Trung Quốc.

Cùng với đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 cũng có tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều người trả lời bày tỏ lo ngại về khả năng tái đắc cử của cựu Tổng thống Cộng hòa Donald Trump.

Homin Lee, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại Lombard Odier cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục ổn định đồng tiền do lo ngại về dòng vốn chảy ra và mục tiêu quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của nước này”. Nhưng bà cũng cảnh báo rằng nếu mức thuế 60% do ông Trump áp dụng nếu ông tái đắc cử Tổng thống Mỹ, đồng nhân dân tệ có thể suy yếu so với đồng đô la xuống còn 7,7RMB hơn.

3.png
Phương Tây đang áp dụng thuế quan bổ sung đối với xe điện giá rẻ của Trung Quốc

Francoise Huang, chuyên gia kinh tế cấp cao khu vực Châu Á – Thái Bình Dương dự đoán rằng ông Trump sẽ “thực hiện một số cam kết về chính sách thương mại”, bao gồm tăng mức thuế trung bình của Mỹ từ mức 2,5% hiện tại lên khoảng 4,5%, mức cao nhất kể từ giữa những năm 1970.

Theo kịch bản này, mức thuế thực tế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng từ 13% hiện nay lên 20%. Mặc dù mức tăng thuế này không nằm ở một số mặt hàng chủ lực, chính sách này vẫn cắt giảm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Chính điều này kéo GDP của Trung Quốc giảm khoảng 0,3% trong hai năm đầu tiên.

Lynn Song, kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung cho rằng kết quả của cuộc bầu cử tại Mỹ chắc chắn sẽ tác động đến Trung Quốc. Ông cho biết việc đảng Dân chủ (dưới thời Phó Tổng thống Kamala Harris cầm quyền) lên nắm quyền sẽ ít rủi ro hơn đối với nền kinh tế Trung Quốc, vì trong quá khứ bà Harris không áp dụng chính sách thuế quan.

Các biện pháp kích thích tăng trưởng

Những bất ổn diễn ra trên trường quốc tế và trong nước khiến chính phủ trung ương và cả Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phải đưa ra một loạt chính sách kích thích tăng trưởng.

“Hành động của PBOC công bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và cắt giảm lãi suất cùng lúc là rất hiếm. Điều này cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang gấp rút cung cấp các khoản cứu trợ”, Jing Liu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại HSBC.

Jian Chang, chuyên gia kinh tế trưởng của Barclays cũng đồng tình với quan điểm này. Theo Chang, những diễn biến gần đây cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang chủ động giải quyết các vấn đề cấp bách của họ. Tuy nhiên, cả hai chuyên gia kinh tế đều giữ nguyên dự báo của họ: GDP của Trung Quốc sẽ giảm xuống lần lượt là 4,9% và 4,8%.

Nhiều người dự đoán chính phủ Trung Quốc sẽ có thêm biện pháp kích thích tăng trưởng, với hình thức phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (285 tỷ đô la Mỹ). Nếu điều này thành hiện thực, rất có thể các nhà kinh tế sẽ điều chỉnh mức dự báo của họ.

Theo Zhennan Li, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Pictet: dựa vào chính sách nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ, dự kiến Bắc Kinh sẽ đưa ra nhiều sáng kiến chính sách hơn trong thời gian tới.

Sau năm nay, các nhà kinh tế dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại dần xuống còn 4,5% vào năm 2025 và 4,2% vào năm 2026, phản ánh sự giảm tốc về mặt cấu trúc trong dài hạn.

Wei Yao, nhà kinh tế trưởng về châu Á và Trung Quốc tại Societe Generale cho biết tình hình kinh tế hiện tại đòi hỏi các biện pháp cấp tiến hơn, nhấn mạnh nhu cầu tái cấu trúc nợ bất động sản và chính quyền địa phương hơn là chỉ đơn giản cắt giảm lãi suất nhằm chấm dứt vòng xoáy giảm phát.

Nguồn