Chi tiết

Trong một big trend không thể thiếu cổ phiếu ngân hàng

Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu ngân hàng diễn biến khá tích cực. Như mã chứng khoán VPB tăng từ vùng 18.000 đồng/cp lên trên 20.000 đồng/cp tính từ giữa tháng 9, EIB tăng từ 17.000 đồng/cp lên 18.800 đồng/cp, STB tăng từ 29.200 đồng/cp lên 33.400 đồng/cp, các cổ phiếu lớn khác như BID, VCB, CTG, MBB cũng diễn biến rất tích cực.

Chính động lực đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp VN-Index tăng điểm từ vùng 1.240 điểm lên ngấp nghé ngưỡng 1.300 điểm – mốc kháng cự mạnh.

Tại chương trình “Khớp lệnh – Tài chính thịnh vượng: Động lực cuối năm” trưa ngày 30/9, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng ngành ngân hàng luôn là lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư trong một big trend. Bởi, về mặt vốn hóa, ngành ngân hàng chiếm trên 60% tổng vốn hóa thị trường. Về mặt giao dịch, cổ phiếu ngân hàng thường dẫn sóng, rất khó để có được biểu đồ phân tích kỹ thuật đẹp để đi vào big trend (xu hướng lớn) nếu ngành ngân hàng không tăng.

Mặt khác, về thanh khoản, cổ phiếu ngân hàng chiếm từ 28 – 42% tổng khớp lệnh thị trường. Đây là lựa chọn tốt cho các quỹ đầu tư lớn, bởi họ sẽ rót tiền vào nhóm có thanh khoản lớn. Cuối cùng, kết quả kinh doanh, ngành ngân hàng chiếm khoảng 52% tổng lợi nhuận trước thuế của sàn niêm yết. Cho nên ngành ngân hàng là hàn thử biểu quan trọng cho thị trường chứng khoán.

Ông Đào Hồng Dương. Nguồn: VPBankS

Đánh giá về thị trường quý cuối năm, chuyên gia đến từ VPBankS cho rằng bức tranh vĩ mô Việt Nam chưa thấy rủi ro quan ngại thị trường phản ứng xấu theo.

Cụ thể, số liệu trong 8 tháng đầu năm có nhiều điểm tích cực và đáng mừng. GDP tăng 6,42% trong 6 tháng đầu năm. Trong cấu phần GDP tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đây là động lực rất tốt cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, bão Yagi đi qua và theo đánh giá của nhiều tổ chức phân tích ảnh hưởng đến GDP không đáng kể, chỉ khoảng 0,15%.

Lạm phát 8 tháng đầu năm khoảng 3,45%, vẫn trong tầm kiểm soát theo mục tiêu Chính phủ đề ra, tạo dư địa cho chính sách tiền tệ. Cán cân thương mại thặng dư 19 tỷ USD, riêng tháng 8 có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. FDI đăng ký đạt 21 tỷ USD, thực hiện khoảng hơn 14 tỷ USD. Với những số liệu như vậy, áp lực tỷ giá cũng có căn cứ để tiếp tục xu hướng giảm dần.

Tổng bán lẻ tăng 8,5%, ghi dấu phục hồi tốt của ngành du lịch, đã vượt xa trước covid. Cuối cùng là đầu tư công đã đạt hơn 40% kế hoạch cho đến tháng 8, ước tính khoảng 275.000 tỷ đồng được giải ngân. Giải ngân đầu tư công thường được đẩy mạnh vào quý IV nên chuyên gia VPBankS cho rằng năm nay sẽ đạt được kế hoạch 90 – 100%.

Cơ hội đầu tư xuất hiện chưa?

Mới đây, Fed thông báo hạ lãi suất lần đầu, các đơn vị phân tích cho rằng sẽ còn các đợt giảm lãi suất thêm 200 điểm cơ bản đến 2026. Ông Dương nhận định điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán, đồng thời cũng phải theo dõi diễn biến nền kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái hay không.

Tuy nhiên, Fed hạ lãi suất đã giúp áp lực tỷ giá hạ nhiệt rất nhanh và mạnh thời gian qua. Tỷ giá là một trong yếu tố quan trọng, hàng đầu ảnh hưởng đến xu hướng chính sách tiền tệ Việt Nam.

Nhìn lại, vào khoảng tháng 7/2023, tỷ giá bắt đầu tương đối căng thẳng. Ở thời điểm đó, với nền lãi suất cao của Mỹ khiến lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cao ở tất cả kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 10 năm vượt 5%, đỉnh cao nhiều năm. Theo đó, tỷ giá Việt Nam cũng chịu áp lực lớn tháng 7/2023 đến tháng 3/2024. Để giảm bớt áp lực, NHNN đã có động thái đưa lãi suất thị trường mở ở các kỳ hạn ngắn lên để kéo giảm chênh lệch lãi suất, qua đó kéo lãi suất liên ngân hàng vọt lên hơn 4%.

Ở thời điểm hiện tại, áp lực tỷ giá đã hạ khá nhanh. Ông Dương cho rằng nên theo dõi lãi suất over night (qua đêm), 7 ngày và 14 ngày, có xu hướng giảm từ 4,5% về quanh 4%. Đây là tín hiệu tương đối đáng mừng với điều hành chính sách tiền tệ liên quan áp lực tỷ giá.

Thứ 2 là chênh lệch lợi tức giữa trái phiếu chính phủ 10 năm của Việt Nam và Mỹ có xu hướng thu hẹp nhanh. Chuyên gia VPBankS không kỳ vọng lợi tức trái phiếu Mỹ giảm nhanh ở thời điểm này và có thể giữ quanh ở mức khoảng 3,2% – 3,5% trên dự phóng phóng của 30 tổ chức nghiên cứu theo dữ liệu Bloomberg trong 2024 và 2025. Yếu tố này giảm áp lực lên tỷ giá và tạo dư địa cho chính sách tiền tệ ở mức linh hoạt để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Nếu xem mối liên quan giữa chênh lệch (gap) lợi tức trái phiếu chính phủ của Mỹ và Việt Nam với việc khối ngoại bán ròng thì sẽ thấy có sự tương quan. Nếu gap nở ra thì bán ròng mạnh, mạnh nhất ở giai đoạn lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên đỉnh 5%. Đến hiện tại, khi chênh lệch thu hẹp về 1% thì đà bán ròng giảm đáng kể.

Sự chênh lệch lãi suất giữa 2 bên giảm đi thì sức hút của TTCK Việt Nam đang dần tăng lên trong mắt của nhà đầu tư nước ngoài. Ở đây, khi gap này tiếp tục thu hẹp nữa thì theo một chu kỳ khối ngoại sẽ quay trở lại thị trường Việt Nam trong thời gian ngắn.

Mặt khác, ông Dương chỉ ra, thống kê cho thấy, VN-Index tăng khoảng 14% từ đầu năm đến nay, nhưng số mã đánh bại VN-Index là 145 mã trên tổng số 391 mã trên HoSE. Đây là con số cho thấy thị trường lình xình nhưng số mã có mức tăng vượt trội hơn VN-Index lớn, tỷ trọng đến 40%. “Như vậy, cơ hội cho nhà đầu tư tham gia thị trường trong giai đoạn này là có. Tôi cho rằng thị trường sẽ tích cực hơn và cơ hội đã xuất hiện rồi”.



Nguồn