Tại Diễn đàn Tài chính Trung Quốc lần thứ 40 mới đây, một nhóm nghiên cứu tại Bắc Kinh cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc nên cân nhắc neo tỷ giá đồng Nhân dân tệ vào một rổ các loại tiền tệ không phải đô la Mỹ, để tạo ra sự linh hoạt hơn cho các chính sách tiền tệ trong nước.
Các ý kiến thảo luận được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải vật lộn để cân bằng nhu cầu nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích thích nền kinh tế, nhưng vẫn duy trì mức chênh lệch lãi suất với đồng đô la Mỹ trước rủi ro bên ngoài gia tăng.
Diễn đàn cho biết trên tài khoản mạng xã hội chính thức của mình vào ngày 10/12 rằng: “Do đồng USD mạnh hơn, các mối đe dọa về thuế quan do việc tái đắc cử của ông Donald Trump gây ra và tình hình bất ổn bên ngoài gia tăng có thể hạn chế không gian cho các chính sách tiền tệ trong nước”.
Để chống lại áp lực, nhóm nghiên cứu này đề xuất tạm thời neo đồng Nhân dân tệ vào một rổ tiền tệ, đặc biệt là đồng Euro, mà họ cho biết sẽ mang lại tính linh hoạt hơn so với đồng USD. Điều này sẽ giải phóng tỷ giá hối đoái khỏi biên độ dao động chặt chẽ, có thể phản ánh tốt hơn những thay đổi trong môi trường kinh tế nói chung, tạo thêm dư địa cho việc điều chỉnh chính sách tiền tệ trong nước.
Theo báo cáo của Reuters, Bắc Kinh đang cân nhắc cho phép đồng Nhân dân tệ mất giá vào năm 2025, có thể xuống còn 7,5 CNY/USD để bù đắp tác động của mức thuế quan do ông Trump đề xuất.
Quyết định này có thể giúp Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu, giảm bớt tác động của các chính sách thuế quan do Mỹ áp đặt. Tuy nhiên, sự suy yếu của Nhân dân tệ không chỉ đơn thuần là một quyết định kinh tế, mà còn phản ánh chiến lược của Trung Quốc khi các căng thẳng địa chính trị và kinh tế ngày càng gia tăng.
Việc làm suy yếu Nhân dân tệ có thể hỗ trợ xuất khẩu, nhưng hành động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng. Một sự giảm giá quá nhanh có thể dẫn đến dòng vốn thoát khỏi Trung Quốc, làm giảm giá trị đồng tiền thêm nữa và gây bất ổn cho thị trường tài chính.
Tuy nhiên, tờ Financial News đánh giá, tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ vẫn có nền tảng vững chắc, cơ bản vẫn ổn định và sẽ ổn định hoặc tăng giá vào cuối năm nay. Vào ngày 12/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã ấn định tỷ giá cố định ở mức 7,1854 /USD, tăng so với mức 7,1843 của ngày hôm trước.
Có thể thấy, đồng Nhân dân tệ đã chịu áp lực rất lớn sau khi ông Trump tái đắc cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng trước, với tỷ giá hối đoái ở nước ngoài giảm xuống còn khoảng 7,3 CNY/USD, do dự đoán chính sách đồng đô la Mỹ mạnh mẽ và lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.
Các chuyên gia kinh tế nhận xét, thực tế những nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã chuyển sang cho phép đồng Nhân dân tệ được neo vào một rổ tiền tệ từ năm 2005, thay vì chỉ dựa vào đồng đô la Mỹ; tuy nhiên, đồng đô la Mỹ vẫn là điểm tham chiếu thống trị khi xét đến vai trò của đồng tiền này trong thương mại và tài chính toàn cầu.
Năm 2017, Trung Quốc buộc phải bảo vệ mốc tâm lý 7 CNY/USD, mặc dù trong những năm gần đây, chính quyền đã cho phép đồng Nhân dân tệ mất giá hơn nữa khi Chính phủ ưu tiên nhu cầu trong nước.
Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia đã nhận định một khi đồng Nhân dân tệ mất giá sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam liên quan đến tỷ giá và hàng hoá nhập khẩu. Ông Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích, chúng ta cần nhận thức rõ để giảm thiểu tác động bất lợi từ Trung Quốc liên quan đến “cơn lốc” hàng giá rẻ. Điều này sẽ tác động đến các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù khả năng Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ là chưa rõ ràng, song bài toán tỷ giá cũng trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, định chế tài chính phải theo dõi sát sao diễn biến chiến tranh thương mại, biến động trên thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế; từ đó đưa ra các kịch bản phù hợp và ứng xử, can thiệp kịp thời, linh hoạt.
Source link