Không chỉ trao đổi hàng hóa hơn trăm tỷ USD mỗi năm, Trung Quốc dần thành đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam trong 5 năm gần đây.
Chánh Thu, công ty thuộc top xuất khẩu trái cây của Việt Nam, có sản lượng xuất hàng vạn tấn mỗi năm, trong đó sầu riêng chiếm tỷ trọng lớn nhất.
CEO Chánh Thu, bà Ngô Tường Vy, cho biết công ty nhận được nhiều đơn hàng sầu
riêng chất lượng cao từ Trung Quốc, nhưng hiện nguồn cung chưa đủ đáp ứng.
Nửa đầu năm nay, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi hơn 1,2 tỷ USD để thưởng thức sầu riêng Việt Nam, tăng 46% so với cùng kỳ 2023. Nhắc đến
loại quả này, ông Nguyễn Đình Tùng, CEO công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Group nói, sau năm 2022 khi sầu riêng tươi Việt Nam được
xuất khẩu chính ngạch, thị phần xuất khẩu rau quả của công ty tại Trung Quốc tăng mạnh chỉ sau một năm, có thời điểm vượt cả thị trường Mỹ.
Với việc ký Nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi Việt Nam sang Trung Quốc chiều 19/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá đây là một bước tiến quan trọng, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Các chuyên gia dự kiến sự kiện này giúp kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đạt 400-500 triệu USD năm nay, và xuất khẩu dừa tươi tăng thêm 200-300 triệu USD.
Cùng với sầu riêng, Việt Nam có tổng cộng 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn,
chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải và chanh dây. Sáu tháng đầu năm, các mặt hàng rau quả bán sang nước này mang về
2,5 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ vậy, Việt Nam đứng thứ hai về xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, chỉ sau Thái Lan. “Với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc có sức mua hấp dẫn nhất thế giới, khiến ngay cả những quốc gia xa xôi như Mỹ và Chile cũng luôn tìm
cách thâm nhập thị trường này”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói.
Đối tác trăm tỷ USD
10 năm trước, nước này chi khoảng 15 tỷ USD để nhập hàng hóa Việt Nam mỗi năm và
con số đã tăng hơn 4 lần vào năm ngoái. Trung Nguyên Legend chứng kiến sự mở rộng này khi là doanh nghiệp đưa các sản phẩm cà phê sang đây bán từ
hơn 15 năm qua.
Trung Quốc là thị trường cà phê phát triển nhanh nhất thế giới với lượng tiêu thụ lớn và ngày càng tăng, Tập đoàn Trung Nguyên Legend nhận xét. Hiện doanh nghiệp này có 15 nhà nhập khẩu, 300 nhà phân phối thứ cấp, 30.000 điểm bán offline và
hàng vạn cửa hàng trên kênh online.
Trung Nguyên cho biết, riêng Trung Quốc có trên 15 triệu người dùng thường xuyên sử dụng cà phê G7. Trung bình cứ mỗi 18 ly cà phê được bán ra ở nước này, có 1 ly cà
phê đến từ thương hiệu Trung Nguyên Legend. Sự đón nhận này tạo động lực cho tập đoàn sang đầu tư chuỗi đồ uống “Không gian
Thế giới cà phê”.
Chỉ chưa đầy 2 năm có cửa hàng đầu tiên tại Thượng Hải, đến tháng 8 năm nay, 14 quán đã mở tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Thành Đô, Đông Hưng,
Tô Châu, Chiết Giang. Tập đoàn này cho biết đang tiếp tục xúc tiến kế hoạch phát triển gần 130 quán trên khắp Trung Quốc trong năm 2024, mở đầu cho kế hoạch dài
hạn 1.000 quán tại thị trường này.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, năng lực hấp thụ lẫn cung cấp hàng hóa của Trung Quốc tạo điều kiện giúp kim ngạch thương mại song phương với Việt Nam tăng trưởng liên tục, đặc biệt là sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2008.
Từ mức 20,8 tỷ USD của năm này, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng hơn 8 lần, lên gần 172 tỷ USD năm ngoái và đang tiến gần đến mốc 200 tỷ USD.
7 tháng đầu năm nay, xuất nhập khẩu giữa hai nước duy trì tăng trưởng, ước đạt hơn 112 tỷ USD. Việt Nam xuất sang 32,56 tỷ USD, tăng hơn 5%, các
mặt hàng chủ yếu như đồ điện tử, cao su, hàng rau quả, nông thủy sản, giày dép. Chiều ngược lại, Trung Quốc cung ứng cho Việt Nam 79,61 tỷ USD
hàng hóa, chủ yếu là đầu vào như máy móc, thiết bị, hóa chất, chất dẻo, nguyên liệu dệt may, da giày, sắt thép, vật tư xây dựng.
Đến nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Trong khi, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất
của Trung Quốc trong ASEAN, thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và nhập khẩu lớn thứ 9 của Trung Quốc trên thế giới.
Theo thống kê của HSBC, trong 10 năm từ 2014-2024, thương mại Việt Nam và Trung Quốc đã vươn lên thuộc top 20 quan hệ thương mại lớn nhất toàn
cầu. Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp HSBC Việt Nam, cho biết đây là quan hệ thương mại duy nhất của Việt Nam thuộc
top này.
“Các yếu tố địa chính trị và những hiệp định thương mại tự do trong khu vực như RCEP sẽ tiếp tục hỗ trợ và củng cố quan hệ kinh tế giữa Trung
Quốc và Việt Nam”, ông nhận định với VnExpress.
Thành đối tác dẫn đầu
“Nhu cầu tuyển dụng ứng viên nói tiếng Trung tăng cao tại các doanh nghiệp dẫn tới thiếu hụt nguồn cung”, bà Trần Thị
Hoàn, Phó giám đốc Navigos Search khu vực miền Bắc, nói về tình hình tuyển dụng nửa đầu năm.
Không riêng gì nền tảng nhân sự trung và cao cấp Navigos Search, hãng tuyển dụng và tính lương Adecco cũng xác nhận nhu cầu tuyển lao động
thông thạo tiếng Trung tăng cao thời gian qua, do làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng của các công ty Trung Quốc theo xu hướng “Trung
Quốc+1”.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Trung Quốc vượt lên là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (540 dự án) tại Việt Nam trong 7 tháng qua, tổng vốn
đăng ký đạt 1,22 tỷ USD, chiếm 29,7% tổng số dự án đầu tư mới.
Trước đây, giới chuyên gia từng băn khoăn FDI Trung Quốc chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế láng giềng sẵn có với Việt Nam, nhất là khi
hai nước đã là đối tác thương mại lớn của nhau. Tuy nhiên, tình hình thay đổi rõ rệt gần đây.
Năm 2023, có 4,47 tỷ USD FDI Trung Quốc đã đăng ký vào Việt Nam, tăng 77,6% so với 2022 và 255% so với 2018. Lũy kế đến ngày 20/7, FDI đăng ký của Trung Quốc là 28,5 tỷ USD với 4.754 dự án còn hiệu lực, đứng
thứ 6 trên 147 đối tác đầu tư.
Không chỉ tăng mạnh về số lượng và quy mô, dòng vốn Trung Quốc cũng ngày càng chất lượng. Nếu trước đây, doanh nghiệp nước này thường tập trung
vào sản xuất may mặc, da giày, chế biến thực phẩm hay đồ gia dụng thì vài năm qua xuất hiện nhiều tập đoàn lớn về công nghệ, điện – điện tử, chế
biến – chế tạo, năng lượng tái tạo, xe điện, thương mại điện tử đến Việt Nam như Goertek, BYD, Wingtech, Trina Solar, các công ty con của
Alibaba.
Gần đây có thể kể đến dự án liên doanh giữa Geleximco và Chery Trung Quốc sản xuất xe điện Omoda và Jaecoo với tổng vốn đầu tư hơn 800 triệu
USD. Tập đoàn BOE Bắc Kinh công bố đầu tư 277,5 triệu USD xây nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (Bà Rịa-Vũng
Tàu).
Hay lĩnh vực thương mại điện tử, công ty con thuộc gã khổng lồ Alibaba tháng 7 năm ngoái công bố đầu tư lớn vào Việt Nam nhưng không tiết lộ
con số cụ thể. Tròn một năm sau, hôm 15/8, ông Roger Luo Giám đốc Khu vực Nam và Đông Nam Á nền tảng bán sỉ Alibaba tuyên bố Việt Nam là thị
trường đầu tiên ở khu vực mà công ty triển khai dịch vụ logistics toàn diện, khẳng định lại lời cam kết.
“Từ khi quyết định đầu tư, chúng tôi xác định Việt Nam là thị trường rất quan trọng. Trong 2025, ngoài hoàn thiện dịch vụ trong quá khứ, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng đội ngũ ở TP HCM, Hà Nội và các địa phương khác để tăng cường hỗ trợ các nhà xuất khẩu Việt Nam”, ông cho
biết.
Ông Ahmed Yeganeh của HSBC Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam là nước hưởng lợi lớn trong câu chuyện dịch chuyển chuỗi cung ứng tại khu vực. Chiến
lược “Trung Quốc+1” giúp kéo thêm nhiều đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhờ nguồn FDI từ Trung Quốc đại lục, thặng dư thương mại của Việt
Nam với những khu vực khác trên thế giới bùng nổ.
Tăng gắn kết bằng chìa khóa chất lượng
Triển vọng thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, theo các chuyên gia. Xu hướng sẽ càng
được thúc đẩy bởi các thỏa thuận hợp tác song phương và hiệp định đa phương mà cả hai cùng tham gia như Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung
Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Tuy nhiên, Trung Quốc ngày càng không còn là đối tác dễ tính, dù thương mại hay đầu tư, đặt ra bài toán chất lượng về mọi mặt cho Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T Group, cho biết sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc của công ty nửa đầu năm giảm do nước này thắt chặt các quy định về kiểm dịch
Cadimi.
“Chúng tôi không vi phạm kiểm dịch nhưng cũng bị ảnh hưởng khi nước bạn nâng cao hàng rào kỹ thuật. Các quy định khắt khe hơn và để thận trọng, công ty cũng không xuất ồ ạt”, ông Tùng nói.
Ngành nông nghiệp kỳ vọng lớn về sự kiện Việt Nam ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi với Trung Quốc chiều 19/8 nhân chuyến thăm
của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Ông Tùng dự báo 6 tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng đột biến.
Đây cũng là trông chờ của bà Vy, CEO Chánh Thu. Nhưng bà hiểu được sự khắt khe của khách Trung Quốc. “Khi được ký kết, các doanh nghiệp Việt
Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng từ nguồn hàng đến quy trình đóng gói và bảo quản để đáp ứng yêu cầu cao từ thị trường này”, bà nói.
Và chất lượng không chỉ là yêu cầu với hàng hóa xuất khẩu, việc nâng cấp trình độ lao động, cơ sở hạ tầng và môi trường chính sách cũng là
yêu cầu phải đồng thời cải thiện để dọn tổ đón “đại bàng” Trung Quốc.
Theo ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp HSBC, chìa khóa để Việt Nam tiếp tục thu hút FDI từ nước này là Việt Nam thực hiện một số thay đổi về quy định, pháp luật
để việc kinh doanh trở nên dễ dàng, minh bạch hơn, đồng thời hỗ trợ các ngành dịch vụ chủ chốt. Ví dụ, ngành Tài chính cần có khả năng hỗ
trợ sự tăng trưởng này bằng nguồn vốn cần thiết.
“Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng cốt lõi cũng như nâng cấp và chuyển đổi nguồn cung cấp năng lượng sang các nguồn
‘xanh’ hơn, đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra suôn sẻ”, chuyên gia HSBC khuyến nghị.
Ông cũng cho rằng còn nhiều lĩnh vực tiềm năng khác để đa dạng hóa hợp tác kinh tế đôi bên, như du lịch, giáo dục và khoa học công nghệ. Với du lịch, Việt Nam phải trở thành điểm đến nổi tiếng và hấp dẫn du khách Trung Quốc.
“Ngoài ra, cần xét đến làm cách nào để các chương trình hợp tác trong giáo dục và công nghệ có thể thúc đẩy đổi mới, hỗ trợ cho sự tăng trưởng của kinh tế số, kinh tế mới ở mỗi quốc gia”, ông Ahmed Yeganeh nói.
Song song với việc tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy đầu tư và thương mại, Việt Nam cần nỗ lực nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế với Trung Quốc, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (VIOIT), thuộc Bộ Công Thương.
Mặc dù kim ngạch thương mại song phương đã tăng trưởng mạnh trong 15 năm qua, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc cũng gia tăng, từ khoảng 10 tỷ USD năm 2008 lên 50 tỷ USD vào năm 2023. Tình trạng thiếu thông tin đã dẫn đến nhiều lần ùn ứ cục bộ trong xuất khẩu hàng hóa và nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc.
Theo VIOIT, để giảm thâm hụt thương mại, Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế. Việt Nam cần tăng cường đàm phán để ký kết các quy định chung về kiểm dịch động thực vật, từ đó chuẩn hóa các sản phẩm thế mạnh của mình, tránh bị từ chối.
Nhóm chuyên gia của Đại học Bắc Kinh, trong một báo cáo chuyên đề quốc tế, cũng có khuyến nghị tương tự về việc Trung Quốc nên chủ động mở rộng nhập khẩu các mặt hàng lợi thế của Việt Nam. Đồng thời nhóm này đề nghị Bắc Kinh chủ động tăng cường đầu tư trực tiếp vào Việt Nam để khai thác các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, bổ sung cho nền kinh tế trong nước.
Về nhập khẩu, Việt Nam nên tăng cường kiểm soát để ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng và không an toàn tràn vào thị trường. Hàng hóa từ Trung Quốc với mẫu mã đa dạng, bắt mắt và giá rẻ sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm sản xuất trong nước. VIOIT khuyến nghị Việt Nam cần có các biện pháp cân bằng giữa việc gia tăng thương mại với Trung Quốc và bảo vệ sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa.
Ngoài ra, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Trung Quốc dịch chuyển theo chiến lược “Trung Quốc +1” nhưng vẫn nhập khẩu nguyên liệu từ quê nhà, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phát triển năng lực cung ứng tại chỗ. Theo VIOIT, trong bối cảnh Việt Nam đang theo đuổi chiến lược phát triển nền kinh tế chất lượng cao và bền vững, việc tăng cường kiểm soát chất lượng trong nhập khẩu nguyên vật liệu là quan trọng và cần thiết.
Viễn Thông – Thi Hà
Đồ họa: Tất Đạt
Nguồn tin: https://vnexpress.net/trung-quoc-doi-tac-hon-tram-ty-usd-cua-viet-nam-4783150.html