Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế đang giảm phát. Theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhân dân (PBoC) có thể hạ lãi suất từ 40 đến 50 điểm cơ bản, xuống gần 1% vào cuối năm 2025.
Các hành động này đã từng xảy ra trong quá khứ. Vào tháng 11/2008, Bắc Kinh đã công bố gói kích thích trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ, khoảng 586 tỷ đô la Mỹ – tương đương khoảng 13% GDP của Trung Quốc vào thời điểm đó – để duy trì tăng trưởng và giảm bớt tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất trong hơn 70 năm.
Khi chính quyền áp dụng lập trường chính sách “nới lỏng vừa phải” vào năm 2008, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn kỳ hạn 1 năm tổng cộng 156 điểm cơ bản và tỷ lệ dự trữ tiền mặt 1,5 điểm phần trăm trong chu kỳ này.
Tháng trước, Trung Quốc đã công bố gói kích thích kinh tế kéo dài 5 năm trị giá tổng cộng 10 nghìn tỷ nhân dân tệ, khoảng 1,4 nghìn tỷ đô la Mỹ để giải quyết các vấn đề nợ của chính quyền địa phương. Con số này chỉ bằng khoảng 2,5% GDP của Trung Quốc hiện tại. PBoC cũng đã cắt giảm lãi suất chủ chốt kể từ cuối tháng 9.
Việc cắt giảm lãi suất của FED tạo điều kiện cho Trung Quốc hạ chi phí vay trong nước mà không khiến đồng nhân dân tệ giảm mạnh. Tuy nhiên, ngân hàng Trung ương này đã không cắt giảm lãi suất mạnh hơn vì lo ngại về khả năng tháo chạy vốn, nếu khoảng cách giữa lãi suất của Trung Quốc và các nơi khác ngày càng lớn.
Tuy nhiên, với chính sách nới lỏng sắp tới, theo Bruce Pang, chuyên gia kinh tế tại JLL: “Mặc dù nới lỏng tiền tệ có thể gây áp lực mất giá lên đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, nhưng việc đảm bảo động lực tăng trưởng sẽ được ưu tiên hơn là ổn định tỷ giá hối đoái”.
Giới phân tích cho rằng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ thận trọng đưa ra các giải pháp theo tuần tự, bám vào dữ liệu kinh tế ngắn hạn và vẫn phải giữ “dư địa” để ứng phó với các mức thuế quan tiềm tàng của Mỹ, khi ông Trump chính thức nắm quyền.
Theo dữ liệu kinh tế của Reuters, trong đợt áp thuế thương mại đầu tiên với hàng hóa Trung Quốc hồi năm 2018, đồng nhân dân tệ đã mất giá khoảng 5% giá trị, và tiếp tục suy yếu thêm 1,5% vào năm sau khi căng thẳng thương mại gia tăng.
Đồng nhân dân tệ đối mặt với nguy cơ suy yếu khi các ngân hàng đầu tư lớn và các công ty nghiên cứu dự báo đồng nhân dân tệ ở nước ngoài sẽ suy yếu xuống mức trung bình 7,51 đổi 1 đô la Mỹ cho đến cuối năm 2025.
Trong đó, khôi phục tiêu dùng hộ gia đình là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, dự báo chính phủ sẽ tăng gấp đôi chương trình đổi hàng lên hơn 300 tỷ nhân dân tệ để khuyến khích chi tiêu trong nước.
Sunny Liu, nhà kinh tế học tại Oxford Economics nói: Gói kích thích tài khóa hiện tại không chú trọng nhiều đến việc thúc đẩy tiêu dùng – chìa khóa để phục hồi nền kinh tế, đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực giảm phát trong thời gian tới.
Giới hoạch định kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với một quyết định khó khăn là bảo vệ đồng nhân dân tệ khỏi việc mất giá quá nhiều trong khi vẫn nỗ lực đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng như mục tiêu đề ra.