Các đợt cải cách lớn
Trung Quốc đã thực hiện nhiều đợt cải cách quan trọng, bắt đầu từ năm 2000 với mục tiêu tối ưu hóa hoạt động của chính phủ. Cải cách năm 2008 là một trong những bước đi quan trọng nhất, khi nhiều cơ quan có chức năng tương đồng được sáp nhập để giảm chồng chéo. Ví dụ, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin được thành lập từ việc hợp nhất các cơ quan quản lý công nghiệp và công nghệ thông tin. Tương tự, Bộ Giao thông Vận tải ra đời từ sự kết hợp giữa các cơ quan quản lý giao thông đường bộ, đường sắt và hàng không.
Cải cách năm 2013 tiếp tục xu hướng này với việc giải thể Bộ Đường sắt và chuyển giao chức năng quản lý cho Bộ Giao thông Vận tải. Đồng thời, Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình Quốc gia được sáp nhập vào Bộ Y tế, tạo thành Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa Gia đình Quốc gia, nhằm tối ưu hóa quản lý y tế.
Cải cách năm 2018 chứng kiến sự ra đời của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên, được hình thành từ việc sáp nhập nhiều cơ quan liên quan đến quản lý tài nguyên. Bộ Sinh thái và Môi trường cũng được thành lập với chức năng mở rộng hơn trong quản lý môi trường.
Năm 2023, Trung Quốc đã thành lập Tổng cục Quản lý Giám sát Tài chính Quốc gia để giám sát lĩnh vực tài chính, đồng thời cắt giảm biên chế tại các cơ quan Nhà nước cấp trung ương để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Những động thái mạnh mẽ của Trung Quốc đã mang lại những kết quả tích cực cho nền kinh tế, trước hết là giảm chi phí và tiết kiệm ngân sách.
Nhiều lợi ích lớn
Các đợt cải cách đã giúp Trung Quốc tiết kiệm đáng kể ngân sách Nhà nước. Việc cắt giảm biên chế 5% tại các cơ quan trung ương vào năm 2023 dự kiến sẽ tiết kiệm hàng tỷ nhân dân tệ, tạo điều kiện cho việc đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục và công nghệ. Ngoài ra, việc tái cấu trúc mô hình hoạt động của các cơ quan chính phủ đã giảm thiểu lãng phí tài nguyên và nguồn lực.
Bên cạnh đó, các đợt sáp nhập và giảm sự chồng chéo đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước bằng cách giảm chồng chéo chức năng giữa các cơ quan. Sự ra đời của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên vào năm 2018 là một ví dụ điển hình về việc thống nhất quản lý tài nguyên thiên nhiên, từ đó cải thiện hiệu quả bảo vệ môi trường. Hơn nữa, việc cải thiện quy trình phối hợp giữa các bộ ngành đã rút ngắn thời gian xử lý công việc hành chính.
Cuộc cải cách hành chính của Trung Quốc đã nhận được sự đánh giá cao của các tổ chức nước ngoài, đặc biệt là nâng cao uy tín môi trường kinh doanh trên trường quốc tế.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ 31 trong bảng xếp hạng “Dễ dàng kinh doanh” vào năm 2019, so với vị trí thứ 78 vào năm 2013. Điều này cho thấy những nỗ lực của Trung Quốc trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Với môi trường thuận lợi hơn, Trung Quôc nhanh chóng bứt phá về thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2022, FDI vào Trung Quốc đạt kỷ lục mới khi lần đầu vượt mức 1.200 tỷ nhân dân tệ, tăng 6,3% so với năm trước. Chính phủ Trung Quốc đang tích cực mời gọi đầu tư vào các ngành công nghệ cao như sản xuất công nghệ cao và kinh tế số để tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề trong hệ thống quản lý công của Trung Quốc vẫn bộc lộ. Cơ cấu đa tầng, phân chia từ trung ương đến địa phương dẫn đến sự chồng chéo trong chức năng và quyền hạn, làm giảm hiệu quả phối hợp chính sách.
Quan liêu và thủ tục hành chính phức tạp tiếp tục là rào cản, khiến việc cung cấp dịch vụ công trở nên kém hiệu quả, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, tình trạng lãng phí tài nguyên cũng xuất hiện khi một số bộ, ngành vẫn duy trì các chức năng trùng lặp hoặc tổ chức kém hiệu quả, đặc biệt trong quản lý tài nguyên và phát triển cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, các địa phương còn thiếu nhân lực có trình độ cao để thực thi chính sách, trong khi văn hóa tổ chức cũ và sự kháng cự với đổi mới làm chậm quá trình hiện đại hóa. Áp lực từ các lĩnh vực mới nổi như công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo đòi hỏi hệ thống hành chính phải cải tiến khung pháp lý nhanh hơn, song tiến độ còn chậm, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Thêm vào đó, chi phí chuyển đổi lớn trong các đợt cải cách, từ đào tạo nhân viên đến đầu tư vào công nghệ mới, đã tạo áp lực ngân sách trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động.
Dù vậy, các đợt cải cách bộ máy chính quyền của Trung Quốc đã cho thấy nhiều tác động tích cực rõ rệt, từ tăng cường hiệu quả quản lý đến tiết kiệm ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những thay đổi này không chỉ giúp Trung Quốc đối mặt với các thách thức nội tại mà còn khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
Nhìn về Việt Nam
Đảng và Nhà nước ta cũng đang có chủ trương sắp xếp, tinh gọn các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ… theo hướng một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực.
Đây không chỉ là một định hướng cải cách hành chính mà còn là chiến lược để xây dựng một hệ thống quản lý Nhà nước khoa học, minh bạch, tập trung vào giá trị thực chất nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc tăng cường hiệu quả cho hệ thống quản lý, điều hành đất nước, đồng thời phát triển lực lượng sản xuất. Đó là cũng điều kiện tiền đề cho việc phát triển hơn nữa lao động, tri thức, kỹ thuật, công nghệ, nguồn vốn,… để không ngừng tạo của cải phục vụ xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của Nhân dân…