Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vừa cam kết các biện pháp tài khóa chủ động hơn, và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn vào năm tới để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, vực dậy niềm tin đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đồng thời ổn định thị trường bất động sản và chứng khoán; tăng cường điều chỉnh “phản chu kỳ phi truyền thống”.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu chuẩn bị đầy đủ kịch bản để đạt được các mục tiêu kinh tế của đất nước vào năm 2025, giữ mục tiêu tăng trưởng GDP năm tới ở mức khoảng 5%, bất chấp nhiều bất ổn và thách thức.
Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, nhưng vẫn đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái nhà ở kéo dài, tiêu dùng trong nước ảm đạm và căng thẳng thương mại tiềm ẩn leo thang với Mỹ, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025.
Dữ liệu kinh tế mới nhất từ Trung Quốc cho thấy lạm phát hàng năm của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng là 0,2% vào tháng 11; đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế tăng nhẹ lên 7,2776 so với đô la Mỹ. Hợp đồng tương lai giao dịch hàng hóa trên sàn iShares FTSE China A50 đã tăng hơn 3%. Xuất khẩu tăng 12,7% – mức tăng cao nhất trong 2 năm gần đây.
Vào giữa tháng 11/2024, Trung Quốc đã tung ra gói kích thích tài khóa trị giá 10 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đươnhg 1,4 nghìn tỷ đô la Mỹ; trong đó khoảng 1.000 tỷ đô la Mỹ hỗ trợ chính quyền địa phương tái cấu trúc nợ.
Tuy nhiên, cả hai chương trình đều gây thất vọng với nhiều nhà kinh tế cũng như giới đầu tư, những người kỳ vọng sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ hơn để vực dậy tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Số dư nợ ẩn chưa được công khai tại Trung Quốc là rất lớn, 14,3 nghìn tỷ nhân dân tệ, khoảng 2 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Mark Williams, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á tại Capital Economics cho rằng: Gói hỗ trợ 1,4 nghìn tỷ đô la Mỹ chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng sản phẩm quốc nội hiện tại, rõ ràng là điều đó sẽ không tạo ra bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào.
Nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc đã tăng vọt một phần do nhu cầu chi tiêu vượt quá giới hạn trong khi doanh thu thuế giảm sút trong thời gian đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, nợ chính quyền địa phương tăng còn do sự suy thoái của ngành bất động sản, vì doanh số bán quyền sử dụng đất là một nguồn thu chủ đạo của chính quyền địa phương.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã nới lỏng các điều kiện vay vốn vào cuối tháng 9/2024, làm bùng nổ thị trường chứng khoán, nhưng các nhà kinh tế cho biết chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy sự phục hồi bền vững.
Phục hồi nền kinh tế là các biện pháp nhằm kích thích tăng trưởng và chống giảm phát, vốn đã trở thành một vấn đề nan giải ở Trung Quốc. Những nỗ lực đó sẽ đòi hỏi các chính sách quyết liệt hơn nhiều, vượt xa các biện pháp hoán đổi nợ cho chính quyền địa phương. Do đó, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tung ra gói kích thích kinh tế có quy mô lơn hơn nữa.