Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã phát đi tín hiệu về việc tăng cường kích thích kinh tế để bù đắp sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, triển vọng có ngay một gói kích thích lớn là không cao khi quốc gia này tỏ ra thận trọng để ưu tiên vào sản xuất công nghiệp.
Kích thích một cách thận trọng
Tuần trước, các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã thể hiện lập trường ủng hộ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong một thập kỷ qua, báo hiệu việc tăng chi tiêu chính phủ và cắt giảm lãi suất nhiều hơn. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng các bước đi thực tế gần đây của Bắc Kinh có thể không đủ mạnh để ngăn chặn vòng xoáy giảm phát và cứu thị trường bất động sản.
Lãi suất trái phiếu ở mức thấp đáng báo động phản ánh tâm lý lo ngại của thị trường về triển vọng kinh tế Trung Quốc. Lãi suất trái phiếu giảm thường cho thấy các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn và tránh rủi ro, thay vì đầu tư vào các tài sản sinh lời cao hơn. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy niềm tin yếu trong nền kinh tế, làm giảm động lực chi tiêu và đầu tư.
Sự thận trọng của Trung Quốc cũng thể hiện trong chính sách tài khóa và tiền tệ. Theo dự báo của UBS và BNP Paribas, tổng mức kích thích tài khóa, bao gồm tăng thâm hụt ngân sách và phát hành trái phiếu, sẽ chỉ chiếm khoảng 2% GDP – một con số khiêm tốn so với các nước phương Tây. Tương tự, dự kiến cắt giảm lãi suất từ 40 đến 60 điểm cơ bản trong năm tới vẫn rất hạn chế so với động thái mạnh tay của Mỹ trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Dù chính phủ Trung Quốc đã cam kết tăng tài trợ cho các chương trình trợ giá tiêu dùng lớn, tác động thực tế vẫn còn hạn chế. Trong bối cảnh thị trường việc làm suy yếu và thu nhập không ổn định, người dân tiếp tục lựa chọn tiết kiệm hơn là chi tiêu, tạo áp lực lên các nhà hoạch định chính sách trong việc khôi phục lòng tin của người tiêu dùng.
Robin Xing, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley, cho rằng năm 2025 sẽ là năm thử nghiệm và có thể đến năm 2026 Trung Quốc mới tìm ra liều lượng chính sách phù hợp – kết hợp kích thích tập trung vào tiêu dùng và cải cách hệ thống an sinh xã hội.
Nỗ lực yếu đó vẫn chưa đại diện cho một sự chuyển hướng căn bản khỏi chiến lược lớn của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao. Tăng tiêu dùng trong nước sẽ bảo vệ khu vực sản xuất nếu một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc 2.0 sẽ xảy ra trong tương lai.
Theo Bloomberg, cho tới kỳ họp lập pháp thường niên của Trung Quốc vào tháng 3/2025, khó có bất kỳ gói kích thích kinh tế lớn nào khác từ chính phủ.
Các nhà hoạch định chính sách vẫn ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực sản xuất như một đòn bẩy tăng trưởng. Trong năm qua, đầu tư sản xuất tăng trưởng nhanh hơn đáng kể so với cơ sở hạ tầng, trong khi lĩnh vực bất động sản tiếp tục suy giảm. Theo các chuyên gia, Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa cho đầu tư, đặc biệt vào các ngành công nghệ cao và năng suất cao.
Mặc dù Bắc Kinh đang chuyển dần khỏi chính sách chỉ tập trung vào cung, họ cũng chưa hoàn toàn chuyển sang chính sách tập trung vào cầu. Các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng chỉ mang lại tác động tạm thời, trong khi đầu tư vào công nghiệp tiếp tục đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển dài hạn.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng công suất sản xuất. Tôi không nghĩ điều đó sẽ thay đổi, vì đầu tư vào sản xuất vẫn là nguồn tăng trưởng chính của Trung Quốc,” Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis nhận định và nhấn mạnh rằng tiêu dùng không thể đảm nhiệm toàn bộ vai trò chỉ trong một sớm một chiều.
Nước ngoài ngày càng mất niềm tin
Sự thận trọng này, tuy có lý do chiến lược, nhưng lại đang làm suy giảm niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài. Khảo sát của The Conference Board cho thấy chỉ số niềm tin của các CEO nước ngoài giảm xuống 49 – mức thấp nhất kể từ đại dịch và lần đầu tiên dưới ngưỡng 50, đánh dấu sự bi quan.
Alfredo Montufar-Helu, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại The Conference Board, nhận định: “Các doanh nghiệp nước ngoài đang phải đối mặt với áp lực lớn khi nhu cầu yếu và cạnh tranh từ các công ty nội địa ngày càng gay gắt.”
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc tiếp tục sụt giảm mạnh trong những năm qua. Theo Reuters, FDI trong quý III/2024 giảm 34% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong một thập kỷ. Nikkei Asia bổ sung rằng yếu tố rủi ro chính bao gồm môi trường chính sách bất ổn, kinh tế tăng trưởng chậm lại và căng thẳng địa chính trị leo thang với phương Tây.
Một trong những nguyên nhân chính là sự trỗi dậy của các doanh nghiệp Trung Quốc. Hơn một nửa CEO được khảo sát cho rằng các công ty trong nước đang nhanh nhạy hơn trong việc thích ứng với thị trường, cung cấp sản phẩm có chất lượng cao hơn với giá thành thấp hơn. Điều này không chỉ làm giảm lợi nhuận mà còn khiến các tập đoàn nước ngoài phải cân nhắc chiến lược dài hạn tại Trung Quốc.